Bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản trên địa bàn tỉnh An Giang: hiện trạng và giải pháp

An Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu, là một trong hai tỉnh ĐBSCL có đồi núi. Vùng đồi núi của tỉnh An Giang phần lớn tập trung tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, phần còn lại thuộc huyện Thoại Sơn và thành phố Châu Đốc. An Giang có chế độ khí hậu tương đối ôn hoà, nắng nhiều, mưa vừa, ít thiên tai. Thời tiết khá ổn định, là điều kiện thuận lợi nên các loài động, thực vật ở An Giang phát triển phong phú và đa dạng.

Theo Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 26/02/2024 về việc Công bố hiện trạng rừng tỉnh An Giang đến ngày 31/12/2023, cụ thể như sau:

- Diện tích đất có rừng 13.805,8 ha, trong đó:

+ Rừng tự nhiên: 1.117,5 ha.

+ Rừng trồng: 12.688,3 ha.

- Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ độ che phủ toàn tỉnh là 12.905,2 ha, tỷ lệ che phủ là 3,65%.

Cây di sản thuộc họ thân gỗ lớn, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử... được cộng đồng đề xuất, chủ sở hữu cây đăng ký, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận, bảo tồn tốt nhất theo khả năng. Việc bảo tồn, chăm sóc cây di sản góp phần quan trọng bảo vệ môi trường tự nhiên và nguồn gen quý hiếm.

Ngay từ khi Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) lần đầu tiên triển khai hoạt động vinh danh “Cây di sản Việt Nam” vào năm 2010 với mục đích cao cả của hoạt động này là nhằm lựa chọn và vinh danh những cây di sản của đất nước, góp phần bảo tồn nguồn gen các cây tiêu biểu của Việt Nam, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với tự nhiên, môi trường, đồng thời quảng bá rộng rãi sự phong phú, đa dạng về giá trị khoa học cao của hệ thực vật đến công chúng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, Chi cục Kiểm lâm An Giang đã tích cực hưởng ứng hoạt động, lập kế hoạch điều tra thống kê cây cổ thụ trên địa bàn tỉnh, tích cực hỗ trợ, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vinh danh cây di sản Việt Nam.

1. Những kết quả đạt được:

Từ năm 2011 đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã lập kế hoạch điều tra, thống kê được thông tin của 88 cây cổ thụ trên địa bàn tỉnh An Giang và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân vinh danh được 19 cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam (chiếm tỷ lệ 21,6%), bao gồm:

* Năm 2013

- Ấp Ninh Lợi, xã An Tức, huyện Tri Tôn: 02 cây Vải Thiều.

- Ấp Tô An, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn: 01 cây Dầu Rái.

- Ấp Tô Trung, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn: 01 cây Me Chua.

- Ấp Pô Thi, xã An Cư, thị xã Tịnh Biên: 01 cây Dầu Rái.

* Năm 2017

- Ấp Phú Hiệp, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân: 03 cây Bằng Lăng nước.

* Năm 2023

- Khu di tích lịch sử Đình Thoại Ngọc Hầu, huyện Thoại Sơn: 01 cây Dầu rái.

* Đón chào năm Giáp Thìn năm 2024, tỉnh An Giang hân hoan khi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận và vinh danh thêm 10 cây cổ thụ thành cây Di sản tại các địa điểm như sau:

- Thị xã Tịnh Biên: 01 cây Gõ mật.

- Huyện Châu Thành: 03 cây Dầu rái.

- Thành Phố Long Xuyên: 06 cây Dầu rái.

Nhận thức rõ giá trị, vai trò của Cây Di sản, việc bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản đã được các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân địa phương tự giác, tích cực tham gia. Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm An Giang đã tích cực phối hợp với các địa phương có biện pháp chăm sóc, bảo vệ và bảo tồn Cây Di sản, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung tay chăm sóc và bảo vệ tốt các Cây Di sản; theo dõi diễn biến sinh trưởng của cây để có biện pháp chăm sóc phù hợp, kéo dài tuổi thọ của cây; phối hợp giáo dục truyền thống, văn hóa tâm linh, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di tích và Cây Di sản, từng bước hình thành ý thức quý trọng, bảo vệ cây cho các tầng lớp nhân dân. Điều này cũng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và phát huy vai trò, ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm. Các hoạt động chăm sóc, bảo vệ cây di sản tại các địa phương đã giáo dục thế hệ trẻ tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào dân tộc về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương…

Bảo tồn Cây Di sản không chỉ có giá trị tạo không gian xanh, tăng giá trị các công trình văn hóa, kiến trúc mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là địa điểm tâm linh, văn hóa của cộng đồng. Điển hình như việc vinh danh cây Dầu Rái ở đình Thoại Ngọc Hầu, chúng ta còn góp phần quảng bá du lịch, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử, văn hóa và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc. Dưới gốc cây này, hàng trăm năm qua lưu giữ dấu chân của người đi mở đất, khẩn hoang, lập ấp và cả người đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất.

Phần lớn các Cây Di sản được công nhận tại An Giang đều nằm trong khuôn viên di tích đình, đền, chùa, … tạo nên quần thể di sản độc đáo mang đậm yếu tố tâm linh và giá trị văn hóa truyền thống. Việc bảo tồn và phát huy tốt sẽ giúp những địa điểm này trở thành sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh độc đáo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân các địa phương, tạo động lực bảo vệ môi trường. Từ khi được công nhận, các Cây Di sản đều được gắn bia công nhận và có quy định chi tiết về việc bảo vệ theo đúng quy định của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

2. Những khó khăn, thách thức trong bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản

Khó khăn lớn nhất hiện nay là các Cây Di sản có tuổi thọ cao, dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai, việc chăm sóc đòi hỏi phải có kỹ thuật và kinh phí lớn, trong khi việc bảo tồn chủ yếu do chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nơi có cây đảm nhiệm. Theo VACNE, hiện nay, việc bảo vệ, chăm sóc cây di sản vẫn do các chủ cây, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư nơi có cây đảm nhận. Hiện chưa có quy chế cụ thể, thống nhất và sự phân cấp quản lý trong lĩnh vực bảo tồn, chăm sóc cây di sản. Tùy điều kiện thực tế, mỗi địa phương, đơn vị có cách bảo tồn, bảo vệ cây di sản riêng, mang tính tự phát, “mạnh ai nấy làm”. Trong khi đó, các cây di sản đều già cỗi, việc chăm sóc cần có kỹ thuật và kinh phí lớn nhưng nguồn lực của một số địa phương còn hạn chế. Do đó, việc tìm nguồn kinh phí bảo vệ, chăm sóc cây di sản gặp nhiều khó khăn.

Trước đây các loài cây cây cảnh, bóng mát, cổ thụ được cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý theo Quyết định số 39/2012/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tường Chính Phủ ban hành về quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ cổ thụ. Tuy nhiên hiện nay sau khi Luật Lâm nghiệp được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, thì theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 đã bãi bỏ hiệu lực của Quyết định số 39/2012/QĐ-TTg. Dó đó, theo nhận định của Chi cục Kiểm lâm, do quy định của Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 có những điểm mới, đã tạo sự thông thoáng trong lưu thông lâm sản cho người dân, đây sẽ là thời cơ cho các thương lái kinh doanh cây bóng mát, cổ thụ, tập trung tích trữ hàng độc, lạ, nhất là những cây cổ thụ có đường kính lớn, có dáng đẹp để kiếm lời sẽ làm gia tăng tình trạng mua bán, đào bứng cây các loài cây cổ thụ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc cây di sản cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Có những nơi được tôn tạo, tu sửa đã bê tông hóa các địa điểm công cộng gây ảnh hưởng “sức khỏe” nghiêm trọng cho cây di sản. Tại một số nơi, người dân đã lập quầy bán hàng vặt, quán giải khát ngay dưới gốc cây di sản. Có cây bị đóng đinh lớn vào thân để chăng dây điện các loại, treo loa phát thanh, buộc dây căng bạt làm quán bán hàng. Những chỗ đóng đinh, nét khắc trên thân cây di sản là những vết thương cơ giới tạo điều kiện cho một số vi sinh vật xâm nhập, gây bệnh cho cây.

3. Đề xuất, kiến nghị

VACNE cần đề xuất, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có quy định hoặc đề xuất Chính phủ xây dựng quy định cụ thể về việc bảo tồn cây di sản; tạo hành lang pháp lý để cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp xác định rõ trách nhiệm và xây dựng giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả để phát huy giá trị Cây Di sản.

VACNE cần đề xuất, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố ban hành “Đề án quản lý bảo tồn cây cổ thụ” trên địa bàn tỉnh và giao cho một cơ quan chức năng của tỉnh chủ trì thực hiện. Theo đó phải đưa tất cả các cây cổ thụ hiện có trên toàn địa bàn tỉnh, thành phố vào danh mục quản lý, bảo tồn đồng thời phân cấp rõ nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng để cùng phối hợp quản lý một cách chặt chẽ.

Bên cạnh đó cũng phải tuyên truyền sâu rộng cho người dân hiểu ý nghĩa, giá trị, vai trò của cây cổ thụ và sự cần thiết phải bảo tồn, tôn tạo những cây này, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, các nguồn tài trợ để đóng góp xây dựng quỹ bảo tồn, chăm sóc, bảo vệ và quản lý cây cổ thụ. Tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống, du lịch tâm linh gắn với cây cổ thụ để một mặt phát huy vai trò của nó trong sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố, mặt khác tạo ý thức quý trọng đối với loại cây cổ thụ này trong các tầng lớp nhân dân.

Ngoài ra, chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo vệ, chăm sóc phát dọn các dây leo đeo bám, theo dõi quá trình sinh trưởng và giáo dục ý thức, nhắc nhở du khách không vượt rào vào bên trong để giữ cho cây phát triển xanh tươi vững bền, để trở thành biểu tượng đặc trưng, tràng đầy sức sống của nhân dân địa phương. Được công nhận là Cây Di sản Việt Nam đã khó, cho nên cần phải được bảo vệ, quan tâm nhiều hơn. Mặt khác, chúng ta cần tiếp tục gây trồng cây tạo bóng mát trên các đường làng, trường học, trụ sở để môi trường ngày một xanh, sạch hơn, đẹp hơn và có nhiều cây đại thụ gắn với xóm làng hơn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Một nông thôn với nhiều hàng cây cổ thụ, tạo không khí trong lành, góp phần tăng vẽ đẹp cảnh quan, tăng sức khỏe và ngày càng có nhiều du khách tìm đến

Sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam sẽ là thông điệp kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo vệ thiên nhiên. Đặc biệt là với niềm vui, niềm tự hào to lớn đó chúng ta càng phải nâng cao trách nhiệm hơn để bảo vệ tốt những cây di sản được công nhận hôm nay, bảo vệ tốt những diện tích rừng và cây trồng tạo bóng mát, chúng ta phải "xã hội hóa" việc bảo vệ Cây Di sản và bảo vệ rừng trên các vùng đồi núi. Cộng đồng nhân dân, bà con sinh sống tại chổ là trung tâm có trách nhiệm quản lý cùng sự giám sát của chính quyền địa phương.

Hy vọng rằng với sự quan tâm, phối hợp của các cấp ban ngành, sự ủng hộ của các cộng đồng dân cư thì việc chăm sóc và bảo vệ cây cổ thụ nói chung và Cây Di sản nói riêng trên địa bàn tỉnh An Giang ngày một tốt hơn, trường tồn cùng với dòng chảy của thời gian./.

Người viết, hình ảnh: Trương Minh Hùng

Người đăng: Bành Lê Quốc An

 

Tin khác

  1. Kiểm lâm An Giang hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2024 (03-04-2024)
  2. Chi bộ Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên-Châu Đốc tổ chức kết nạp đảng viên mớI (02-04-2024)
  3. Phối hợp tuần tra, kiểm tra an toàn về phòng chống cháy rừng, gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại rừng Đặc dụng núi Sập thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang (26-03-2024)
  4. Giao lưu bóng đá Chi cục Kiểm lâm Vùng 3, Chi cục Kiểm lâm An Giang và Ban Quàn lý rừng Phòng hộ và Đặc Dụng tỉnh An Giang (22-03-2024)
  5. Kiểm tra, khảo sát khu vực có nguy cơ cháy rừng tại núi Cô Tô, thuộc xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (17-03-2024)
  6. Kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024 thị xã Tịnh Biên (14-03-2024)
  7. Kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại núi Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (02-03-2024)
  8. Dấu chân Carbon của nàng Kiểm lâm (16-02-2024)
  9. Cô Gái Kiểm lâm du ngoạn vùng đồi núi Cấm tỉnh An Giang (06-02-2024)
  10. Hội nghị công chức viên chức và người lao động Chi cục Kiểm lâm An Giang năm 2024 (05-02-2024)

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
11
Hôm nay:
110
Tuần này:
110
Tháng này:
12893
Năm 2024:
391166

Tin tức trong tháng:3
Tin tức trong năm 2024:29