Ngũ gia bì gai
Tên khoa học: Acanthopanax trifoliatus (L.) Voss. 1894
Tên đồng nghĩa: Zanthoxylum trifoliatum L. 1753;
Plectronia chinensis Lour. 1790
Acanthopanax aculeatum (Ait.) Witte, 1861
Eleutherococcus trifoliatus (L.) Hu, 1980
Acanthopanax trifoliatum (L.) Merr. 1906, comb. superfl..
Bộ: Hoa tán Apiales
Họ Ngũ gia bì: Araliaceae
Chi: Eleutherococcus
Loài: E. trifoliatus
Tên gọi khác: Tam gia bì, tam diệp ngũ gia, pop tưn, poóc sinh (Tày), co nam slư (Thái).
Ngũ gia bì là cây nhỏ, rất nhiều gai, cao chừng 2 - 7m. Lá mọc so le, kép chân vịt có từ 3 - 5 lá chét, phiến lá chét có hình bầu dục hay hơi thuôn dài, phía cuống hơi thót lại, đầu nhọn mỏng, mép có răng cưa to, cuống lá dài từ 4 - 7cm. Hoa mọc khác gốc, thành hình tán ở đầu cành. Quả hình cầu, đường kính chừng 2,5mm, khi chín có màu đen.
Ngũ gia bì mọc hoang trên vùng đồi núi của tỉnh An Giang, có ở núi Cấm, núi Dài và núi Cô tô, nhưng ngày nay không còn thấy trong thiên nhiên. Đây là cây thuốc rất có giá trị về kinh tế và giá trị sử dụng phổ biến nên đã bị khai thác kiệt quệ. Cây còn bị tàn phá do nạn phá rừng làm rẫy trước đây, hiện nay đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng tại vùng núi An Giang. Ngũ gia bì gai đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007 trang 82 với cấp đánh giá "bị đe doạ" (T).
Theo một số thông tin trên mạng thì Cây ngũ gia bì gai Có tác dụng trị mệt mỏi tốt hơn Nhân sâm. Tăng sức chịu đựng đối với thiếu oxy, nhiệt độ cao, điều tiết rối loạn nội tiết, điều tiết hồng cầu, bạch cầu và huyết áp, chống phóng xạ, giải độc. Ngũ gia bì có tác dụng chống lão suy, tăng thể lực và trí nhớ, tăng chức năng tuyến tình dục và quá trình đồng hoá, gia tăng quá trình chuyển hoá và xúc tiến tổ chức tái sinh.
Theo Viện Dược liệu Việt Nam (vienduoclieu.org.vn) thì Ngũ gia bì gai chữa phong thấp, đau lưng nhức xương, liệt dương. Còn có tác dụng kích thíc, bổ dưỡng, làm tăng trí nhớ. Ngày 6-12g, dạng thuốc sắc hoặc rượu thuốc.
Kỹ thuật trồng:
Mùa hoa của cây Ngũ gia bì gai từ tháng 8 - 9, quả tháng 9 - 12.
Tạo giống bằng hạt hoặc giâm cành; Cây có khả năng tái sinh chồi khoẻ sau khi chặt. Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể chịu bóng, thường mọc thành bụi ở bờ khe suối, độ cao từ 350 - 1600m.
Cây có thể trồng trên mọi loại đất, nhất là đất cao ráo, thoát nước. Nếu trồng xen với rừng có độ tàn che 50 – 60% thì cũng phát triển tốt.
Ngũ gia bì gai ưa khí hậu ẩm mát ở vùng núi, nhưng cũng có thể trồng được ở đổng bằng với khí hậu nhiệt đới gió mùa. Cây được nhân giống chủ yếu bằng giâm cành. Chọn cành bánh tẻ, mập, không sâu bệnh, cắt thành đoạn dài 30 -40 cm, cắm một nửa xuống đất, lèn chặt và giữ ẩm vừa phải. Nếu giâm trong bầu, cành giâm có thể cắt ngắn hơn, khoảng 15 - 20cm. Đoạn rễ mang mầm cũng có thể dùng làm giống. Thời vụ giâm cành tốt nhất vào đầu mùa mưa.
Khoảng cách trồng 1m X 2m một cây. Nếu đất ít thì trồng với khoảng cách 40cm. Có thể bón thêm phân hữu cơ.
Ngũ gia bì gai ít có sâu bệnh. Cây trồng sau 2-3 năm là thu hoạch.
Bành Thanh Hùng
Tin khác
- Quản lý rừng bằng công nghệ số (15-12-2017)
- Hội nghị triển khai đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh An Giang năm 2017 (16-11-2017)
- Giá trị rừng phòng hộ đầu nguồn An Giang (22-07-2017)
- Hội thao CNVC và lao động lần thứ 28 năm 2017 tỉnh An Giang (20-07-2017)
- Kỹ niệm 44 năm ngày thành lập Kiểm lâm Việt Nam. (24-06-2017)
- Phòng ngừa dịch cúm gia cầm tại rừng tràm Trà Sư (28-02-2017)
- Trà Sư triển khai Phương án phòng cháy rừng năm 2017 (17-01-2017)
- Học từ thiên nhiên (09-01-2017)
- Trà Sư tập huấn nâng cao kỹ năng phục vụ (17-10-2016)
- Tự nguyện giao gấu (30-09-2016)