Phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2012

Diện tích rừng An Giang không lớn so với một số tỉnh khác nhưng gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân, dân và có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái ở An Giang và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.


 Rừng còn gắn liền với sự phát triển của du lịch, bảo vệ sự đa dạng sinh học, cũng như phục vụ cho an ninh, quốc phòng biên giới. Vì vậy, công tác bảo vệ rừng nói chung và công tác tác phòng cháy, chữa cháy rừng nói riêng luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, chỉ đạo.
Tuy nhiên công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại An Giang cũng còn tồn tại những khó khăn nhất định. Do mùa khô trùng với các ngày lễ hội nên khách hành hương và du khách tập trung về các núi rất đông; vào mùa khô chim, cá thường tập trung tại các khu rừng tràm nên còn tình trạng dân xâm nhập vào rừng bắt ong, chim, cá … Việc sử dụng lửa thiếu ý thức dễ gây cháy rừng; một khó khăn cũng phải kể đến là diện tích rừng trồng của tỉnh đa số tập trung trên các núi cao, trong khi nguồn nước tại đây rất hạn chế, nên nếu có cháy rừng xảy ra rất khó khăn cho công tác chữa cháy.
Dự báo mùa khô năm 2012 sẽ xảy ra khô hạn nặng, đặc biệt là thời tiết đã xuất hiện không khí hanh khô. Vì vậy, khả năng cháy rừng là rất lớn và có thể cháy trên diện rộng. Ngay từ đầu mùa khô, Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh đã xây dựng và triển khai xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2012 trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương có rừng xây dựng và triển khai phương án bảo vệ rừng, PCCCR phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng triển khai triển khai Kế hoạch hiệp đồng phòng cháy rừng với thành phần tham gia là Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị, thành phố; các đơn vị Quân sự đóng quân trên địa bàn … và Kiểm lâm, Công an tỉnh. Mục tiêu công tác PCCCR là: “Hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại rừng trên vùng đồi núi; đối với rừng đồng bằng hạn chế tối đa mức thiệt hại khi xảy ra cháy. Nếu có cháy sẽ huy động mọi nguồn lực để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại rừng”. Phương châm là: Tiếp tục thực hiện công tác phòng là chính; chữa cháy kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra PCCC rừng mùa khô. Ảnh: THÀNH CHINH

Tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ  rừng, chống chặt phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, ngành Kiểm lâm cũng phối hợp với các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền giáo dục liên tục và sâu rộng đến cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; thông báo và cảnh báo cấp cháy rừng; dán các áp- phích, pa- nô, lắp đặt các bảng cấm lửa… xung quanh rừng- nơi có nhiều người thường xuyên qua lại và phát thanh lưu động. Đặc biệt, Kiểm lâm đã xác định 6.768 héc-ta/ 12.708 héc-ta là các vùng trọng điểm cháy rừng để tập trung phương tiện, dụng cụ, lực lượng tập trung cho khu vực này. Các trọng điểm cháy được xác định như: Rừng tràm Trà Sư, núi Phú Cường; cụm núi Đất, núi Dài, Lâm trường Tỉnh đội…
Về biện pháp kỹ thuật: Ngành Kiểm lâm phát dọn băng trắng chống cháy lan: 15 héc-ta, với chiều dài 7,5km, đốt vùng đệm giáp ranh với rừng 8 héc-ta, chiều dài 5,5km; thực hiện phát cỏ chăm sóc và thu dọn cỏ xung quanh diện tích các lô rừng trên núi, diện tích rừng đồng bằng thực hiện bơm, giữ nước, đốt dọn gốc rạ giáp rừng, đốt dọn cỏ trên các tuyến kênh và thực hiện vệ sinh rừng. Đặc biệt, công tác xây dựng lực lượng chữa cháy được có vai trò quyết định trọng công tác chữa cháy rừng. Trong đó, lực lượng do Chi cục Kiểm lâm xây dựng, gồm Kiểm lâm, Lâm nghiệp xã và các tổ hợp tác bảo vệ rừng, bố trí trực, tuần tra, bảo đảm thông tin liên lạc để kịp thời ứng phó với các tình huống cháy xảy ra; lực lượng Quân sự tham gia và sẵn sàng thực hiện kế hoạch hiệp đồng chữa cháy rừng, trong đó cơ động nhất là Đại đội Bộ binh của các huyện, thị xã có rừng và Tiểu đoàn Biên phòng D19. Đối với những vụ cháy lớn, lực lượng chủ yếu vẫn là Công an, Quân sự, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, trong đó lực lượng Quân đội có vai trò chủ lực. Công tác kiểm tra thực địa tổ chức nhiều đoàn là thành viên Ban Chỉ huy, các sở, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp kiểm tra, đôn đốc thực hiện PCCCR.
Song song đó, ngành Kiểm lâm bố trí các phương tiện, dụng cụ tại 73 chốt bảo vệ, trong đó đồi núi 53; đồng bằng 20.  Số điểm bố trí dụng cụ 267 điểm, trong đó đồi núi 245; đồng bằng 22. Máy chữa cháy 132 máy, trong đó máy chữa cháy đồi núi: 59 máy, máy chữa cháy đồng bằng 73 máy; can nhựa chứa nước: 4.674 cái. Phương tiện chuyển quân: 07 xe. gồm: 04 xe tải của Ban Chỉ huy Quân sự và Công an huyện Tri Tôn, Tịnh Biên; 03 xe của 2 Hạt Kiểm lâm và của Đội Kiểm lâm Cơ động và PCCCR. Cùng với các biện pháp như trên thì công tác trực chỉ huy chữa cháy rừng tại Văn phòng Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR tỉnh (Chi cục Kiểm lâm; Quân Sự; Cảnh sát PCCC) và các huyện đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có sổ ghi chép tiến độ diễn biến hàng ngày.
Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng của tỉnh đang ở cấp cháy V, tức là cấp cháy cực kỳ nguy hiểm, khi xảy ra cháy sẽ lây lan rất nhanh, tạo thành những đám cháy lớn, sẽ gây thiệt hại nhiều mặt. Mặt khác, lượng khách hành hương, du lịch viếng núi ngày càng đông hơn và kéo dài đến những ngày lễ hội như Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lễ Thanh Minh và lễ hội đình Thới Sơn… Vì vậy, công tác PCCCCR sẽ được tăng cường: Triển khai thực hiện Công điện số 300/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng cháy chữa cháy rừng và văn bản số: 103/VPUBND-KT, ngày 09 tháng 3 năm 2012 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Tiếp tục duy trì hoạt động tuyên truyền thường xuyên, liên tục và đưa tin cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng và Website để cộng đồng dân cư tại chỗ và nhất là khách từ nơi khác đến có thông tin cùng tham gia phòng cháy tốt. Bảo đảm công tác trực, nhất là trong các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ; bố trí lực lượng sẵn sàng, đúng theo phương châm “04 tại chỗ”. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Quân sự, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng để tăng cường tuần tra tại các trọng điểm cháy nhằm phát hiện kịp thời, huy động lực lượng bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống của con người.
TRẦN PHÚ HÒA

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
11
Hôm nay:
253
Tuần này:
3119
Tháng này:
162027
Năm 2024:
377904

Tin tức trong tháng:1
Tin tức trong năm 2024:26