Giá trị rừng phòng hộ đầu nguồn An Giang
Nguyễn Minh Hoàng - Bành Thanh Hùng
Chi cục Kiểm lâm An Giang
Việc “Định giá rừng phòng hộ” là một việc làm không dễ và ít được quan tâm đúng mức trong bối cảnh hiện nay. Không định được giá trị của những khu rừng phòng hộ sẽ không thấy được giá trị lợi ích to lớn mà rừng đã mang lại cho đời sống dân cư. Chúng ta chỉ biết lợi ích của rừng trên phương diện lý thuyết như chống xói mòn, tăng độ ẩm, tạo cảnh quan …, nhưng giá trị thực mang lại cho người dân tại chỗ là bao nhiêu thì không biết. Vì vậy, rừng luôn là đối tượng rất ít được quan tâm, mặc dù ai cũng nói bảo vệ môi trường là quan trọng. Do đó, “Định giá rừng phòng hộ” là nhằm phản ánh giá trị thật, giá trị cụ thể của tài nguyên rừng đã mang lại cho cuộc sống của người dân để qua đó quản lý tốt hơn, xây dựng chính sách quản lý, sử dụng rừng phòng hộ hiệu quả hơn và đặc biệt là nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò, giá trị của rừng phòng hộ, góp phần quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng hiện có của tỉnh An Giang.
Trên thế giới, các nghiên cứu về lượng giá trị của rừng đã được thực hiện khá phổ biến trong đó cách tiếp cận chủ yếu là trên quan điểm “Tổng giá trị kinh tế”. Ở Việt Nam, một số nghiên cứu về lượng giá đã được tiến hành cho một số loại rừng vùng đồi núi và đã đưa ra nguyên tắc, phương pháp lượng giá. Tuy nhiên các nghiên cứu trong nước về giá trị kinh tế môi trường của rừng phòng hộ đồi núi thì còn hạn chế, chưa có tính hệ thống và chưa có tính đại diện điển hình cho các vùng sinh thái. Đặc biệt, chưa có bất cứ nghiên cứu nào đề cập đến nguyên tắc và phương pháp để tính các giá trị môi trường của rừng phòng hộ đồi núi. Các phương pháp được quốc tế áp dụng cũng chỉ được giới thiệu một cách chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương trong cả nước có thể áp dụng được.
Tùy theo từng loại rừng phòng hộ mà có vai trò, tác dụng khác nhau. Rừng phòng hộ ven biển có vai trò quan trọng đối với việc cố định phù sa; lấn biển; Rừng phòng hộ chắn sóng, gió, bão; giảm thiểu các thiệt hại do triều cường và sóng thần. Rừng phòng hộ chắn cát bay... Nhưng rừng phòng hộ vùng đồi núi của tỉnh An Giang thì luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi vị trí của đồi núi nằm dọc theo tuyến biên giới, vô tình đã tạo thành lá chắn bảo vệ vững chắc trong hoạt động quốc phòng và nhà thơ Tố Hữu đã từng ca ngợi lợi ích của rừng là “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Đối với đời sống dân cư thì núi rừng An Giang mang lại lợi ích lớn như cung cấp một lượng lớn gỗ, củi, than; là kho thiên nhiên dự trữ an ninh lương thực một lượng lớn các nguồn gen sống các loài động vật, thực vật và các loài cây thuốc trị bệnh; là nơi bảo tồn đa dạng sinh học; là nền tảng cho sự phát triển ngành du lịch sinh thái. v.v…, những lợi ích đó chính là giá trị kinh tế của rừng phòng hộ trên vùng đồi núi mang lại.
“Trước đây, khái niệm về tống giá trị kinh tế của rừng (Total Economic Value - TEV) được xem xét rất hạn hẹp. Các nhà kinh tế thường có xu hướng chỉ xem xét giá trị của rừng thông qua các lượng sản phẩm hữu hình mà rừng đã tạo ra đế phục vụ cho các nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của con người. Tuy nhiên các sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp này chỉ thể hiện được một phần nhỏ trong tổng giá trị của rừng. Trong thực tế, rừng đã tạo ra một lợi ích kinh tế vượt xa giá trị của các sản phẩm hữu hình đang được buôn bán chính thức trên thị trường. Theo thời gian, định nghĩa về giá trị kinh tế của rừng đã thay đổi. Khái niệm về tổng giá trị kinh tế (TEV) đã được đưa ra khoảng hơn một chục năm về trước (Pearce, 1990). Từ đó đến nay, khái niệm này đã trở thành một trong những khuôn mẫu để xác định và phân loại các lợi ích của rừng. Muốn xem xét tổng giá trị của rừng thì phải xem xét toàn bộ giá trị của các nguồn tài nguyên, các dòng dịch vụ môi trường và các đặc tính của toàn bộ hệ sinh thái như một thể thống nhất. Tổng giá trị kinh tế của rừng bao gồm:
Một là, các giá trị sử dụng trực tiếp (Direct Use Value - DUV): Là giá trị của những nguyên liệu thô và những sản phẩm vật chất được sử dụng trực tiếp trong các hoạt động sản xuất, tiêu dùng và mua bán của con người như thức ăn, cây thuốc, vật liệu gen....
Hai là, các giá trị sử dụng gián tiếp (Indirect Use Value - IUV): Là giá trị kinh tế của các dịch vụ môi trường và chức năng sinh thái mà rừng tạo ra như duy trì chất lượng nước, giữ dòng chảy, điều tiết lũ lụt, kiểm soát xói mòn, phòng hộ đầu nguồn, hấp thụ các bon,...
Ba là giá trị phi sử dụng: Là những giá trị được để lại bao gồm:
- Các giá trị lựa chọn (Option Value - OP): Là những giá trị chưa được biết đến của nguồn gen, các loài động vật hoang dã trong rừng và các chức năng sinh thái rừng khi chúng được đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực giải trí, dược phẩm, nông nghiệp, trong tương lai.
- Các giá trị để lại (Bequest Value - BV): Là những giá trị trực tiếp hoặc gián tiếp mà các thế hệ sau có cơ hội được sử dụng.
- Các giá trị tồn tại (Existence Value - EV): Là giá trị nội tại đi kèm với sự tồn tại của các loài trong rừng và hệ sinh thái rừng mà không kể đến việc sử dụng trực tiếp như ý nghĩa về văn hoá, thẩm mỹ, di sản, kế thừa...”(1)
Vậy, khi nói đến giá trị của rừng tức bao hàm 03 lọai giá trị trên. Và trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi nghiên cứu đưa ra những số liệu giá trị của rừng trên Núi Dài (hay còn gọi là Ngọa Long Sơn), chưa đặt trong tổng thể chung của toàn tỉnh (vì không có kinh phí) để đánh giá giá trị của rừng, từ đó giúp chúng ta nhìn nhận theo hướng tốt hơn. Chúng tôi sẽ trình bài chi tiết các giá trị trong những bài khác. Núi Dài có diện tích tự nhiên là 2.579,0 ha, trong đó hệ sinh thái tự nhiên chiếm 17,3% diện tích núi và nhiều sinh cảnh khác nhau như: Sinh cảnh rừng kín thường xanh nửa rụng lá; Sinh cảnh cây rừng tự nhiên rụng lá theo mùa; Sinh cảnh rừng trồng; Sinh cảnh cây rừng tự nhiên tái sinh trên đất rừng trồng... (Nguồn: Hạt Kiểm lâm Tri Tôn). Về mật độ dân số bình quân có 93 người/km2. Nơi đông nhất là thị trấn Ba Chúc 117 người/km2 và ít nhất là xã Lê Trì là 82 người/km2, với tổng số nhận khẩu là 58.128 người trong tổng số hộ là 8.951. Dân số trong vùng gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là tỷ lệ tăng cơ học. Sự gia tăng dân số là sức ép rất nặng nề đối với rừng huyện Tri Tôn nói chung và Khu rừng núi Giài nói riêng. Tình hình các dân tộc thiểu số trong và ngoài khu rừng núi Giài không có những vấn đề nổi cộm. Chủ yếu là dân tộc Khrme sinh sống bằng canh tác ruộng trên, làm rẩy, khai thác mây và thu hái các loại lâm sản khác. (Nguồn: Chi cục thống kê huyện Tri Tôn)
Qua kết quả điều tra và ước tính giá trị của rừng phòng hộ núi Giài mang lại được thể hiện qua bảng sau;
Số TT |
Loại giá trị |
Giá trị ước tính (trđ/năm) |
Ghi chú |
I |
Giá trị sử dụng trực tiếp |
4.584 |
|
1.1 |
Giá trị về củi đốt, gỗ hàng mộc và tre |
3.380 |
939 hộ x 3.600 trđ/hộ |
1.2 |
Giá trị về cây thuốc |
500 |
707 hộ x 0,707 trđ/hộ |
1.3 |
Giá trị về cây cảnh |
300 |
470 hộ x 0,638 trđ/hộ |
1.4 |
Giá trị về khai thác động vật |
404 |
269 hộ x 1,502 trđ/hộ |
II |
Giá trị sử dụng gián tiếp |
81.990 |
|
2.1 |
Giá trị phòng hộ đầu nguồn |
1.032 |
20USD/ha/năm |
2.2 |
Giá trị bảo tồn Đa dạng sinh học |
5.158 |
100USD/ha/năm |
2.3 |
Gía trị hấp thụ các bon, điều hòa khí hậu |
25.800 |
500USD/ha/năm |
2.4 |
Giá trị du lịch và giải trí, vẻ đẹp cảnh quan |
50.000 |
1triệu lượt/năm |
III |
Giá trị phi sử dụng |
13.488 |
|
3.1 |
Giá trị lựa chọn |
2.325 |
58.128 người |
3.2 |
Giá trị để lại |
1.163 |
58.128 người |
3.3 |
Giá trị tồn tại |
10.000 |
1 triệu lượt/năm |
Tổng cộng |
100.062 |
|
Đây là tổng giá trị trong một năm của rừng phòng hộ núi Giài mang lại khoảng 100.062.000.000 đồng/năm. Số liệu tính toán này được dựa trên cơ sở tham vấn của nhiều tác giả. Tuy là giả định tính toán nhưng cũng phản ánh được phần nào về giá trị của rừng mang lại, để mọi người có cái nhìn thân thiện hơn với rừng, để suy nghĩ và quan tâm bảo vệ rừng nhiều hơn. Do đó, muốn biết được giá trị của rừng phòng hộ đồi núi tỉnh An Giang thì cần đầu tư nghiên cứu cụ thể, nhằm đánh giá tương đối xác thực những giá trị của rừng mang lại cho xã hội, đặc biệt là giá trị về đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng và giá trị bảo tồn gen sống đối với các loài động vật, thực vật thân gỗ và thực vật thân thảo phục vụ cho những chương trình bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững trong tương lai, tiến đến không chuyển đổi đất Lâm Nghiệp để sử dụng cho mục đích khác./.
* Nguồn tài liệu tham khảo: Trung tâm nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng tài liệu tập huấn định giá rừng của nhóm tác giả Vũ Tấn Phương, Ngô Đình Quế, Nguyễn Quang Hồng. Hà Nội, tháng 7 năm 2008.
Rừng phòng hộ đầu nguồn của tỉnh An Giang cần xác định giá trị
Tin khác
- Hội thao CNVC và lao động lần thứ 28 năm 2017 tỉnh An Giang (20-07-2017)
- Kỹ niệm 44 năm ngày thành lập Kiểm lâm Việt Nam. (24-06-2017)
- Phòng ngừa dịch cúm gia cầm tại rừng tràm Trà Sư (28-02-2017)
- Trà Sư triển khai Phương án phòng cháy rừng năm 2017 (17-01-2017)
- Học từ thiên nhiên (09-01-2017)
- Trà Sư tập huấn nâng cao kỹ năng phục vụ (17-10-2016)
- Tự nguyện giao gấu (30-09-2016)
- Hội thi chữa cháy rừng đồi núi năm 2016, lần thứ II (06-05-2016)
- TRÀ SƯ ỨNG PHÓ MÙA KHÔ 2016 (06-05-2016)
- Sâm Bố Chính (06-05-2016)