Bảo tồn thiên nhiên » Động vật » Chi tiết loài

Tên việt nam: Cá lóc đồng

Tên khoa học: Channa striata Bloch, 1795

Địa danh: Chưa xác định

Cấp bậc sinh giới

Ngành: Dây sống (tên khoa học là Chordata)

Bộ: Cá Tai Tượng (tên khoa học là Perciformes)

Họ: Cá lóc (tên khoa học là Channidae)

Thuộc: Thông thường

Tình trạng bảo tồn: Không dánh giá (NE)

Đặc điểm nhận dạng:

Địa điểm thu mẫu: Mẫu cá được thu tại Phú Tân, Chợ Mới, Tân Châu, Châu Thành, Thoại Sơn.


Kích thước: Kích thước cá tối đa đạt  90cm nhưng ít gặp, cỡ thường gặp 20 – 50cm.


Phân bố: Cá sống trong hầu hết có loại hình thủy vực nước ngọt, có thể sống ở vùng nước lợ có độ mặn nhỏ hơn 5-7‰. Vùng phân bố của cá rộng từ Trung Quốc đến Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Philippin, Sri lanka và Indonesia.


Đặc điểm sinh học: Cá lóc sống được trong nhiều loại hình thủy vực như ao, hồ, kênh mương, vùng ruộng trũng, vùng ngập sâu. Nơi cá lóc sinh sống thường có dòng chảy yếu hay nước tĩnh, nơi ven bờ cỏ thích hợp với tập tính rình bắt mồi của cá. Do có khả năng hô hấp phụ nên cá có thể sống rất lâu trên cạn, với điều kiện chỉ cần ẩm ướt toàn thân.


Cá mới nở còn sử dụng dinh dưỡng từ noãn hoàng. Từ ngày thứ 4-5, khi noãn hoàng đã hết, cá bắt đầu ăn thức ăn bên ngoài. Lúc này cá bột ăn được các loài động vật phù du vừa cỡ miệng  như luân trùng, trứng nước.


Khi dài cỡ 5-6 cm cá đã có thể rượt bắt các loại tép và cá có kích thước nhỏ hơn. Khi cơ thể đạt chiều dài trên 10cm, cá đã có tập tính ăn như cá trưởng thành.


Giai đoạn nhỏ, cá tăng chủ yếu về chiều dài. Cá càng lớn thì sự tăng trọng lượng càng nhanh hơn. Trong tự nhiên, sức lớn của cá không đều, phụ thuộc vào điều kiện thức ăn sẵn có trong vực nước. Do vậy tỉ lệ sống trong tự nhiên của cá khá thấp. Trong điều kiện nuôi có thức ăn và chăm sóc tốt cá có thể lớn từ 0,5-0,8 kg một năm, đạt được tỉ lệ sống cao và ổn định.


Cá dễ thành thục và thành thục sớm lúc 10-12 tháng tuổi. Mùa vụ thành thục trong tự nhiên từ tháng 3- 4 và kéo dài tới tháng 9-10. Cá đẻ rộ vào những tháng đầu mùa mưa lớn, tập trung nhất tháng 5 đến tháng 7. Hệ số thành thục trung bình từ 0,5-1,5%, số trứng của buồng trứng cá cái có thể đạt 5.000 đến 20.000 trứng.


Cá đực và cái tự ghép đôi khi thành thục, cá đực thường có kích thước nhỏ hơn cá cái cùng lứa. Cá thường chọn nơi cây cỏ thủy sinh kín đáo nhưng thoáng để đẻ trứng và thụ tinh. Trứng cá lóc màu vàng sậm, có chứa hạt dầu nên nổi được trên  mặt nước. Sau khi đẻ, cá đực và cái đều canh giữ tổ trứng và cá con cho đến khi cá con bắt đầu có tập tính sinh sống độc lập.


Giá trị kinh tế: Cá có sản lượng cao, kích thước lớn, thịt ngon, được nhiều người ưu chuộng, có giá trị xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao.


Khai thác: Ngư cụ được dùng khai thác: Câu, lưới, lờ, nôm.


Mùa vụ khai thác: Quanh năm.


Hiện trạng nghiên cứu và phát triển: Cá Lóc đồng vừa là đối tượng cá kinh tế, vừa là một trong những loài cá đồng tìm thấy phổ biến ở ĐBSCL. Là loài cá nuôi phổ biến với các hình thức nuôi:  bè, ao, mương vườn…  

 

Khu sinh cảnh rừng Tràm Trà Sư:    Loài cá Lóc đồng có sau mùa nước nổi hàng năm. Thịt săn chắc, thơm ngon.

 

Bành Thanh Hùng,

Nguồn: Điều tra, nghiên cứu về sự hiện diện của các loài thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh An Giang, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Tp Hồ Chí Minh 4/2007.

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
14
Hôm nay:
336
Tuần này:
5932
Tháng này:
18284
Năm 2024:
61880

Tin tức trong tháng:7
Tin tức trong năm 2024:17