Bảo tồn thiên nhiên » Động vật » Chi tiết loài

Tên việt nam: Cá sặc rằn (Tên tiếng Anh: Snakeskin gourami)

Tên khoa học: Trichogaster pectoralis Regan, 1909

Địa danh: Chưa xác định

Cấp bậc sinh giới

Ngành: Dây sống (tên khoa học là Chordata)

Bộ: Cá Tai Tượng (tên khoa học là Perciformes)

Họ: Cá sặc (tên khoa học là Belontiidae)

Thuộc: Thông thường

Tình trạng bảo tồn: Không dánh giá (NE)

Đặc điểm nhận dạng:

Địa điểm thu mẫu: Mẫu cá được thu tại ao nuôi An Giang.


Kích thước: Kích thước cá lớn nhất đạt 107,3 cm, cỡ thường gặp 15cm.


Phân bố: Cá sống trong các ruộng, ao, hồ, đầm nước ngọt nhưng có thể sống ở nước lợ và phân bố ở các quần đảo thuộc Ấn độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam … và di giống sang nhiều nước khác.


Đặc điểm sinh học: Cá có thân hình bầu dục, dẹp ngang, miệng nhỏ, môi dày. Đầu được phủ vẩy, vây hậu môn rất dài, phía sau cao hơn. Tia thứ nhất vây bụng kéo thành sợi dài quá vây đuôi. Thân cá có màu xanh xám, bên hông có các sọc đậm xiên từ lưng xuống bụng.


Cá sặc rằn là loài ăn tạp, khi trưởng thành cá ăn sinh vật nổi, mùn bã hữu cơ, thực vật thuỷ sinh, phế phẩm nông nghiệp, phân động vật... Cá có cơ quan hô hấp phụ nên lấy được khí trời và có thể sống được ở điều kiện nước thiếu oxy nghiêm trọng, cá còn có khả năng chịu đựng được điều kiện môi trường nước bẩn, hàm lượng hữu cơ cao cũng như môi trường có pH thấp (<4,5). Cá sống ở ao đìa, ruộng lúa, rừng tràm, kênh rạch và có thể sống được ở vùng nước lợ 6-7‰.


Sặc rằn có tốc độ sinh trưởng chậm. Trong tự nhiên cá 2 tuổi mới đạt 100-150 gr/con. Cá nuôi trong ao nếu chăm sóc tốt, thức ăn thích hợp và đầy đủ thì lớn nhanh hơn, một năm có thể 100 gr. Khi cá còn nhỏ cá ăn phiêu sinh động vật và động vật đáy, sau đó ăn mùn bã hữu cơ và phiêu sinh động thực vật. Cá có thể ăn cả thực vật lớn như rau bằm nhỏ, bèo, phân hữu cơ …


Cá thành thục ở 7 - 8 tháng tuổi, lúc này mới có thể phân biệt đực cái rõ ràng. Mùa vụ thành thục của cá trong tự nhiên bắt đầu vào đầu tháng 4, cuối tháng 5 đầu tháng 6 cá bắt đầu sinh sản, mùa sinh sản kéo dài đến tháng 8 - 9. Hệ số thành thục của cá cái có thể đạt tới 13-14%, sức sinh sản có thể đạt 42.000 trứng ở cá cái 146 gr. Tính cho 1kg cá cái có thể đạt 200.000-330.000 trứng. Trứng có hạt mỡ nên khi đẻ ra thì nổi trên mặt nước. Cá nở sau 18-22 giờ, cá mới nở còn rất yếu và nằm ngửa trên mặt nước khoảng 4-5 ngày, sau đó cá con lật sấp và bơi lội tự do.


Giá trị kinh tế: Cá có kích thước lớn, thịt rất ngon, tuy nhiên sản lượng trong tự nhiên tại An Giang thấp, sản lượng nuôi trồng tương đối, có giá trị kinh tế nhất định.


Khai thác: Ngư cụ được dùng khai thác: Lưới.


Mùa vụ khai thác: Quanh năm.


Hiện trạng nghiên cứu và phát triển: Cá là đối tượng nuôi trong ruộng lúa, ao, mương vườn,… của ngư dân vùng ĐBSCL, nguồn giống đã được chủ động thông qua nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công.

 

Khu sinh cảnh rừng Tràm Trà Sư:    Loài cá Sặc rằn thích nghi với rừng Tràm, khoảng 03 con/kg, thịt săn chắt, rất thơm ngon.

 

Bành Thanh Hùng,

Nguồn: Điều tra, nghiên cứu về sự hiện diện của các loài thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh An Giang, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Tp Hồ Chí Minh 4/2007.

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
16
Hôm nay:
780
Tuần này:
4476
Tháng này:
16828
Năm 2024:
60424

Tin tức trong tháng:7
Tin tức trong năm 2024:17