Tên việt nam: Bạch đàn hương
Tên khoa học: Premna Sp
Địa danh: Chưa xác định
Cấp bậc sinh giới
Ngành: Thực vật
Họ: Cỏ roi ngựa (tên khoa học là Verbenaceae)
Thuộc: Thông thường
Tình trạng bảo tồn: Không dánh giá (NE)
Công dụng: Thấp khớp, đau nhức khớp, tê thấp
Đặc điểm nhận dạng:
Mô tả: Cây gỗ nhỏ (có thể có kích thước lớn). Nhánh già màu xám vàng ; các nhánh non tròn tròn, không lông, có nhiều khía rãnh. Lá mọc đối ; phiến lá hinh trái xoan hay bầu dục, chóp lá nhọn, gốc tù, tròn, ít khi hình tim, mỏng, mặt trên lục vàng, mặt dưới nhạt màu hơn, dài tới 16-18cm, rộng 11-13cm ; cuống lá mảnh, dài 5-9cm ; gân phụ 6 đôi, gân nhỏ song song; mép lá có răng thô và to.
Theo sự chỉ dẫn thì cây có hoa màu trắng ; Quả bằng hạt đậu phọng, khi chín có màu đen. Mẫu vật rất gần với Cách thơm (Prem- na odorata Blanco) trong Cây cỏ miền Nam Việt Nam, khác ở chỗ lá có răng cưa. Lá cây lúc non và khi khô đều thơm. Thân cây có lõi vàng, thơm mùi xá xi. Thường rụng lá vào mùa khô.
Bộ phận dùng: Lá.
Phân bố, sinh thái: Cây mọc ở rừng núi Cấm. Thu hái lá trước khi rụng, phơi khô cất dành. Muốn trồng, thường người ta chặt rễ giâm cho lên chồi mà trồng.
Tính chất và tác dụng: Lá cây có vị the, tính ấm, mùi thơm. Có tác dụng phát tán mồ hôi, giải độc, thông hơi, trừ thấp.
Công dụng: Thường dùng trị ho, giải các uế khí, ẩm thấp. Cũng dùng chữa đau khớp, nhức xương, làm mạnh gân, nhất là trị đau cột sống.
Đơn thuốc: Hội Y học dân tộc tỉnh An Giang đã sưu tầm bài thuốc tâm đắc về Rượu thời khí dùng trị thiên thời, dịch tả, hoắc loạn, đau bụng ói mửa, tiêu chảy, chậm tiêu, uất hơi, sình bụng, trúng gió. Thành phần gồm có :
Củ bồ bồ (nướng), Cây ớt hiểm, Củ cỏ cú (sao) Lá hoắc hương, củ riềng, Vỏ quít (lâu năm), Giáng hương, Củ sả, Đại hồi, Quế khâu, Cam thảo núi, Bạch đàn hương, Kinh giới (bông), Bạc hà (lá) và Ngải đen.
Các vị phân lượng Dằng nhau, đều 10g, tán dập dập ngâm rượu 1 tuần, lấy ra dùng, mỗi lần uống 1 ly nhỏ, ngày uống nhiều lần. Nếu không tiện uống rượu thì tán ra bột, mỗi lần uống tới 2 muỗng cà phê.
Tình trạng khai thác và bảo vệ tại An Giang: Khuyến khích gây trồng để sử dụng.
Bành Thanh Hùng. Sưu tầm và biên soạn từ nguồn: Cây thuốc An Giang của Võ Văn Chi, Ủy ban khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, tr.35.