Lúa Trời

Lúa trời còn có tên khoa học là Oryza Rufipogon, tuỏng chừng đã mất giống, ai ngờ rằng ở Khu Bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư lại xuất hiện cây lúa trời hay còn gọi là lúa ma, quỷ cốc - loại lúa tưởng chừng chỉ còn được thấy trong sách vở và biệt tích đã từ lâu. Ẩn mình trong những đám cỏ mồm mỡ nên rất khó nhận ra cây lúa trời, chỉ khi nào nước lũ dâng cao, lúa ma với sức sống mãnh liệt đã bỏ lại các loài cỏ khác để vươn lên.
Dân gian gọi là lúa trời hay quỷ cốc vì vào mùa lũ, nước ngập mênh mông trên những cánh đồng và hoa màu nên không có lúa, không có thứ ngũ cốc nào cho dân ăn, nhất là người dân nghèo không có của cải, tài sản để dự trữ 6 tháng nước nổi này. Thương chúng sinh, ông trời đã gieo thứ lúa này xuống những cánh đồng ngập nước đó. Lúa thân cứng, lá to, mọc lên như cỏ, đất xấu cỡ nào, phèn chua cỡ nào lúa cũng sống "phây phây". Bất kể nước dâng tới đâu, lúa cũng vượt lên khỏi mặt nước để trổ cờ và ra bông. Mà lạ nhất là Lúa không chín một lần mà mỗi bông chỉ chín một vài hạt. Nên hôm nay đập rồi, hôm sau có thể tiếp tục đập vẫn có lúa. Do đó, hết người này đến người khác có lúa để ăn qua những ngày không có lương thực.


Còn gọi là lúa ma vì loại lúa này rất kỳ lạ., rất... sợ mặt trời. Lúa chín tới, nếu không có người đập thì khi mặt trời lên chúng cũng tự nhiên rụng…Thu hoạch lúa ma cũng không gặt, cắt như các loại lúa khác mà phải dùng cây để đập. Vì lúa mọc giữa đồng cỏ âm u, lại chín ngay mùa nước lên nên con người không tài nào lội vào khu vực lúa ma để thu hoạch mà phải vào đây bằng xuồng. Khi đập lúa ma người ta cũng ngồi trên xuồng. Dụng cụ thu hoạch lúa ma được thiết kế theo kiểu riêng biệt. Giữa xuồng được dựng lên tấm mê bồ cao từ 1 - 1,5 mét, xuôi từ trước ra sau. Phía trước tấm mê bồ là cây sào cao. Hai bên mạn xuồng được cột 2 cây sào. Vào đồng lúa ma ít nhất phải 2 người. Người đứng lái xuồng ra sức chống xuyên qua khu vực lúa chín. Người ngồi trước hai tay cầm 2 cây sào đập bông lúa vào tấm mê bồ. Bông lúa dài, cứng hơn bình thường và khi chín không "cong trái me" mà thẳng đứng theo thân cây. Hạt lúa ma cũng dài gấp rưỡi bình thường và có đuôi dài hơn 3 - 4 lần như thế.

 
Như vậy, ngoài 140 loài thực vật đã được công bố, nay rừng tràm Trà Sư đã chính thức đưa tên cây lúa trời vào nhập quốc tịch nơi đây. Chứng tỏ một điều rằng Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư ngày càng đa dạng các loài thực vật và trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng trong tương lai.


Đinh Thị Mỹ Lan

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
22
Hôm nay:
757
Tuần này:
4453
Tháng này:
16805
Năm 2024:
60401

Tin tức trong tháng:7
Tin tức trong năm 2024:17