Lan rừng Bảy Núi

Bấy lâu nay, mỗi khi nhắc đến Bảy Núi (tỉnh An Giang), người ta nghĩ ngay vùng dược liệu dồi dào trữ lượng và đa dạng chủng loài, hoặc là phong cảnh kỳ vĩ của núi rừng, hay di tích lịch sử - văn hóa... Thế nhưng, nơi đây còn có những loài thực vật mang họ lan, với nhiều tên gọi mộc mạc, rất hấp dẫn và giàu chất bản địa mà ít ai để ý.
Nổi tiếng là người leo núi giỏi, bởi chị Nguyễn Thị Mai (núi Nam Quy) thường đi lấy dược liệu cho từ thiện và biết khá nhiều mặt cây thuốc. Hôm gặp chúng tôi, chị kể: “Do nhà nghèo, mần đổi lấy gạo ăn và nuôi sống cả nhà. Sau mỗi chuyến đi, mấy ảnh thương tình cho một hoặc hai giạ gạo, chứ đâu có bán chác gì”. Với mớ “vốn liếng” của người cha truyền lại và có học thêm chút ít về y học cổ truyền, hơn 20 năm nay, chị lội khắp vùng Bảy Núi và không có nơi nào mà chị chưa tới. “Anh cần gì, tui kiếm cho, tiền bạc đâu thành vấn đề, chủ yếu là tình nghĩa”. – chị Mai xởi lởi.
Biết chúng tôi muốn kiếm phong lan và đòi bằng được của rừng Bảy Núi. Chị Mai cười, rồi cho biết nhiều lắm, mà hơi khó lấy, vì chúng ở trong rừng sâu và trên những mõm đá cao chót vót. “Có những loại, bông nở phảng phất mùi thơm ngào ngạt, chỉ có điều không rực rỡ như... lan chợ”. – chị Mai bảo. Đó là những loài thực vật ký sinh, phụ sinh có nguồn gốc dược liệu, họ lan bản địa; dân xứ núi gọi là thạch hộc kim, thạch hộc báu, thạch hộc chuối, thạch hộc trúc… và lan sâm, lan xâu chuỗi... do mỗi loài đều có dáng vóc riêng, bông nở màu trắng muốt và môi điểm cũng khác nhau. Đặc biệt là kim tuyến, nghe đâu loài này tương tự với Tây Nguyên và được phát hiện cách đây 3 – 5 năm. 
Theo kinh nghiệm đi rừng và thường thấy những loài lan, anh Trần Văn Nhứt (núi Dài) nói, chúng hay đeo cành cây khô và ở trên cao vút, có khi bám vào vách đá và ẩn nấp nơi cheo leo, rất khó lấy. “Đi rừng sơ ý sẽ gặp hoài, lắm lúc cố tình tìm mãi vẫn không ra”. – anh Nhứt cho biết. Do chúng phân bố không đồng đều, đâu phải trên đỉnh núi và vách đá nào cũng có; mà còn phải tùy thuộc vào khu vực nằm ở phía mặt trời mọc, mặt trời lặn khác nhau và độ ẩm của cánh rừng nơi đó. Hôm leo lên ô Cây Sung (đường lên vồ Đá Bạc, núi Dài), chúng tôi chăm chú theo dõi mãi, đảo mắt trên những tán cây cao mà chẳng thấy bóng dáng, loài phong lan nào. Hèn gì, người dân đi núi hay nói, lan rừng Bảy Núi thuộc loài quý hiếm là vậy.

 
Mấy chục năm ở trên đỉnh Cô Tô, Lê Văn Mộng chuyên sống nghề rừng, lặn lội khắp các vồ, đồi trong vùng và biết được nhiều loài lan. “Thạch hộc kim có bông như trái ấu, khi nở như con cò, cánh màu trắng và môi điểm vàng, hương thơm đặc biệt. Rất độc đáo, có một không hai”. – anh Mộng tấm tắt. Dẫn chúng tôi lên Cấp nhì, anh cho biết, núi này có đến 4 – 5 loài thạch hộc, bởi còn nhiều lò ảng khá nguyên sơ, ít người lui tới, vả lại khu vực đó nằm cánh phía… có độ ẩm thích nghi để chúng sinh sôi nảy nở.
“Muốn lấy chúng, phải nhảy qua những tảng đá không liền kề, đôi khi leo lên vồ đá dựng đứng, có lúc cũng phải chui xuống lò ảng chỉ với ánh sáng le lói chiếu qua khe đá”. – anh Mộng tâm sự. Song, vì ham mê và nhờ cuốn sách “Những vị thuốc vùng Bảy Núi”, giúp anh nhận dạng được nhiều loài lan rừng của Bảy Núi, trong đó có loài “lan sâm” mọc nơi ẩm thấp và xuất hiện trong các hộc đá, hiện đang được ưa thích bởi công dụng của nó.
Người thường đi núi và dân sống nghề rừng cho hay, lan rừng Bảy Núi còn sống sót và ít có người để ý tới, do hình dáng chúng không mấy gì bắt mắt, bông thưa rẽ hành, nở nhanh chóng tàn và không sặc sở như loài cấy mô, lan ngoại nhập. Tuy nhiên, lan rừng Bảy Núi có đặc điểm rất riêng, khó có loại nào pha lẫn được, đó là bông của một số loài lại nở quanh năm, hương thơm thoang thoảng và có sức sống bền bỉ. Nói theo “dân nhà nghề” là dễ trồng, chịu khó tưới nước (trước bình minh và sau hoàng hôn) mỗi ngày thì cây sẽ ra rễ, đâm chồi rồi trổ bông, mà không cần bón phân và xử lý thuốc kích thích, còn giá thể cũng đơn giản là sử dụng xơ, vỏ dừa và gỗ mục... thích hợp với người chơi lan “tài tử”.
“Dân trên Sài Gòn, miệt Cần Thơ… bây giờ họ biết và tìm hỏi. Đi viếng núi, có người xách về bốn, năm thứ làm kỷ niệm, trồng để coi chơi, thưởng thức hương vị Bảy Núi”. – chị Trần Thị Đẹp (núi Cô Tô) cho hay. Nhiều người nói rằng, đối với lan ngoại nhập thực ra không thiếu thứ nào, nhưng còn lan rừng Bảy Núi thì ai cũng thấy lạ quá, họ chưa nghe bao giờ. Từng đoàn hành hương và du khách đến Bảy Núi, mỗi người đều có sở thích riêng. Thì ra, loài thực vật ký sinh, phụ sinh có nguồn gốc dược liệu, họ lan ở Bảy Núi trở thành “sản phẩm mới” du lịch và bắt đầu có sự chú ý của du khách mỗi khi đến vùng này.
Theo cư dân Bảy Núi, toàn vùng có rất nhiều loài dược liệu, mang họ lan, bản địa gọi là lan rừng hay phong lan và chưa kể đến số loài củ, dây mà ai cũng cho là địa lan. Có những loài, người ta mới chỉ nhận dạng, mà chưa biết được tên chuẩn của nó; còn có một số loài tương tự lan rừng Tây Nguyên và Tây Bắc. Nhưng, muốn lấy chúng là cả vấn đề khó khăn, phải theo mùa và đường đi hết sức nguy hiểm.
Việc phát hiện ra lan rừng Bảy Núi là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ hiệu quả mang lại từ rừng, góp phần làm phong phú thêm thảm thực vật rừng đồi núi ở An Giang. Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm An Giang) cho rằng, đây là loài quý hiếm, vì nó thường xuất hiện ở rừng nguyên sinh và đòi hỏi độ ẩm thích hợp, chúng mới sống được và phát tán trong khu vực.


Bài và ảnh: PHAN TRỌNG ÂN

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
14
Hôm nay:
884
Tuần này:
4580
Tháng này:
16932
Năm 2024:
60528

Tin tức trong tháng:7
Tin tức trong năm 2024:17