Định hướng phát triển du lịch sinh thái tại rừng tràm Trà Sư

Ngày nay, các Vườn quốc gia và những khu rừng nằm trong danh mục bảo tồn đã được quan tâm bảo vệ tốt hơn, vì đó chính là những “kho báu” vô cùng quí giá của con người, là nơi lưu giữ các nguồn gen, tính đa dạng sinh học, nguồn dự trử thực phẩm và cả một kho dựơc liệu cực kỳ phong phú, đãm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước trên nhiều lĩnh vực nếu biết sử dụng họp lý.
Khác với những kho báo Vàng, Bạc hay đá quí thì cất giấu bí mật, được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng đối với kho báo Tài nguyên rừng thì cần phải được trưng bày, giới thiệu với mọi người, chia sẻ những thông tin để cùng nâng cao sự hiểu biết về đời sống hoang dã đang vận hành bên trong các khu rừng, các vườn Quốc gia với một cấu trúc quần thể đa dạng theo quy luật tự nhiên và bền vững. Đó cũng chính là hình thức giáo dục trực quan sinh động, qua đó truyền thông điệp đến mọi người sống phải hài hòa, thân thiện với môi trường thiên nhiên, phải chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên rừng cũng chính là bảo vệ lấy mình, vì con người cũng là một cá thể trong hệ sinh thái của tự nhiên. Để thực hiện điều đó thì không có con đường nào khác và khôn ngoan hơn là gắn kết với phát triển du lịch.
Du lịch sinh thái là một loại hình mới phát triển trong những năm gần đây, dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái để mang lại thu nhập cho cộng đồng địa phương. Do đó, du lịch sinh thái không thể tách rời những khu rừng, các Vườn quốc gia hay các khu bảo tồn mà luôn gắn kết, hổ trợ lẫn nhau, vừa phát triển kinh tế cho cộng đồng địa phương, vừa thúc đẩy công tác bảo vệ rừng ngày càng phát triển tốt hơn, bền vững hơn. 
 Những hoạt động của du lịch sinh thái, không chỉ tạo cho du khách tâm trạng thoải mái qua chiêm ngưỡng vẽ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, mà vấn đề quan trọng là còn giúp cho du khách nâng cao hiểu biết về nền văn hóa cộng đồng, bao gồm cả những làng nghề truyền thống, mang đậm bản sắc của dân tộc, của một vùng miền. Mặt khác, du lịch sinh thái còn giúp hiểu biết về các hệ sinh thái động, thực vật sống trong môi trường thiên nhiên hoang dã, chứa đựng cả kho bí ẩn, luôn là nguồn cảm hứng vô tận, lôi cuốn sự tò mò, tính hiếu kỳ trong chúng ta muốn đến để khám phá.


Rừng tràm Trà Sư là khu bảo vệ cảnh quan của tỉnh nằm trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Rừng tràm Trà sư được ví như gái xuân đang ở tuổi trăng tròn,  ôm ấp nhiều hoài bảo và đang ngũ say. Với sức sống mãnh liệt gợi tình đã làm cho nhiều người phải sao động trước sức quyến rũ đó. Với một diện tích khiêm tốn, nằm giữa cánh đồng lúa mênh mong, nhưng vẫn phát huy bản sắc của riêng mình và là mắc xích quan trọng trong tổng thể tính đa dạng chung của toàn tỉnh. Đến với Trà Sư sẽ thấy được vẻ đẹp thực của các loài chim, cá, các loài thực vật, cây dược liệu, các loài thủy sinh chung sống trong thế giới hoang dã một cách bền vững như những mắc xích liên hoàn … từ đó giúp ta có ý thức cần phải bảo vệ và cùng chung sống hài hòa với thiên nhiên.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững của Rừng tràm Trà Sư thì không có con đường nào tốt hơn là xây dựng chiến lược phát triển du lịch sinh thái gắn với lợi ích của cộng đồng, chính là hình thành tam giác lợi ích đãm bảo tính bền vững, gắn chặt giữa lợi ích Nhà nước với lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của cộng đồng, được ví như ba cạnh của một tam giác và nếu thiếu một cạnh thì sẽ mất tính bền vững. 
 

Sự gắn kết nầy là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở khai thác hợp lý các thế mạnh tiềm năng của khu vực. Do đó, cần tạo dòng sản phẩm bên trong và dòng sản phẩm bên ngoài hòa quyện nhau theo từng thời gian, từng vụ mùa trong năm, sâu thành chuổi sản phẩm bền vững đặc trưng của Trà Sư.
Dòng sản phẩm bên ngoài chính là những làng nghề truyền thống của cộng đồng dân cư như: săn bắt chuột đồng ; bắt cua ; giăng lưới, giăng câu ; đặt lờ ; nấu ăn, bơi xuồng dã ngoại hay tổ chức cấy lúa, gặt lúa, nấu đường thốt nốt (những hoạt động nghề nông) … những loại hình nầy đầu tư ít vốn, có khá năng thu hút nhiều người dân địa phương tham gia và sẽ tạo dấu ấn cho du khách, mang đến cho du khách những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống và góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho cộng đồng dân cư sống ven rừng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngành Du lịch Tỉnh An Giang có trách nhiệm tổ chức những loại hình nầy cho cộng đồng dân cư địa phương. Khi cộng đồng dân cư có thêm nguồn thu nhập từ những khách du lịch đến với khu rừng Tràm Trà sư sẽ có tác động hữu hiệu đến việc bảo vệ rừng tràm trà sư, đó chính là mắc xích không thể thiếu, tạo nên sự bền vững.
Dòng sản phẩm bên trong, là dòng sản phẩm bên trong khu rừng Tràm Trà sư bao gồm các tuyến du lịch bằng đường bộ và đường thủy. Phân thành nhiều tuyến xem Chim, xem Dơi theo từng thời gian của từng loài, xem và bắt đom đóm ban đêm và kết hợp đưa những làng nghề truyền thống vào rừng để tổ chức cho du khách cùng tham gia như nấu đường, dệt vải, lấy mật Ong, hái rau rừng, bắt cá . . . bên trong khu vực rừng Trà Sư và đặc biệt là tạo các sản phẩm video clip, những hình ảnh giới thiệu đặc tính về những loài động vật, thực vật, cây thuốc hiện có trong rừng. Xây dựng khu nuôi dưỡng các loài Rùa, Chim, thú và tổ chức phục vụ ghi tên khách lên bảng vàng ngay trước khu bảo tồn nếu có yêu cầu hoặc Du khách đầu tư chi phí để nuôi thú thì con thú đó sẽ được đặt tên của khách. Bên cạnh là xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng theo tiêu chí bền, rẽ, đẹp tạo thành sự đa dạng sản phẩm lôi cuốn du khách đến và nghĩ lại để tìm hiểu. Đồng thời, sẽ giới thiệu dòng sản phẩm bên ngoài để du khách lựa chọn tham gia, đây chính là sự kết hợp hài hòa giữa hai dòng sản phẩm tạo nên tính đa dạng, hổ trợ lẫn nhau bền vững.
Ngoài ra, cũng cần đặc biệt quan tâm đến tuyến du lịch nội địa (trong tỉnh) trước khi đến rừng Tràm Trà Sư, phục vụ các đối tượng học sinh, sinh viên, các cá nhân, tổ chức và hộ gia đình trong tỉnh du lịch nghiên cứu sự đa dạng sinh học, quan sát đời sống hoang dã tại lãnh địa của loài cá sấu hung tợn nhất hành tinh, tận mắt chứng kiến Trăn đau bụng đẻ, Trăn ấp trứng, tiếp xúc trực tiếp với loài máu lạnh - Rắn Ráo Trâu – sinh sống, sinh sản … qua đó sẽ tạo cảm giá mạng và quan trọng nhất là cung cấp thêm thông tin về quy trình phát triển của một số loài động vật để hướng tới việc khuyến khích khách du lịch bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật sống trong môi trường hoang dã. Ngành Du lịch tỉnh kết hợp với Chi cục Kiểm lâm để xây dựng những Tour du lịch nội địa bền vững, thu hút khách du lịch tại chổ và tạo thêm nguồn thu cho cộng đồng dân cư.


Mặt khác, vấn đề nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch sinh thái cũng cần đặt ra. Hiện nay, khái niệm hoạt động du lịch sinh thái chưa được phổ biến, nhầm với khái niệm du lịch tuyền thống, cho nên thực hiện theo kiểu du lịch cảnh quan dẫn đến không tạo được ấn tượng cho du khách.
Du lịch sinh thái khác với du lịch cảnh quan ở chổ các nhân viên du lịch phải có kiến thức và am hiểu về cơ chế hoạt động của những loài động vật hoang dã, hệ sinh thái, các loài thực vật hiện có trong khu rừng Tràm Trà Sư để giới thiệu một cách rành mạch cho du khách biết. Ví dụ: Từng mùa có chim gì, thuộc sách đỏ hay nằm ngoài, thời gian sinh sản trong năm, mỗi đợt sinh sản có bao nhiêu trứng và thời gian cần thiết để chim trưởng thành đó là hình thức giới thiệu gợi mở gây ấn tượng đầu tiên để khách quyết định cuộc hành trình tiếp theo . . . Đó mới chính là tạo dấu ấn mạnh mẻ về du lịch sinh thái mà khách đi rồi muốn trở lại lần nữa. Do đó, công tác đào tạo cần đặt lên hàng đầu, không dừng lại đối với các nhân viên hướng dẫn bên trong khu rừng mà kết hợp đào tạo kiến thức cho cả những nông dân tham gia làm du lịch ở bên ngoài khu rừng, việc làm nầy là của ngành Du lịch tỉnh An Giang phối hợp chặt chẻ với chính quyền địa phương và Chi cục Kiểm lâm để tạo ra những sản phẩm đặc hữu của cộng đồng.
Rừng Tràm Trà Sư là nơi để các loài động, thực vật và loài thủy sinh sinh sống hài hòa, phát triển bền vững trong môi trường tự nhiên hoang dã, mang tính đa dạng sinh học cao. Mỗi cá thể, mỗi loài đều là những mắc xích liên kết quan trọng trong tổng thể của khu rừng. Chính vì vậy, Rừng Tràm Trà Sư là điểm đến lý tưởng để mọi người có cơ hội tham quan, giải trí, nâng cao nhận thức về môi trường, học tập và nghiên cứu khoa học hiểu được thiên nhiên để có cuộc sống hài hòa và thân thiện. Vì vậy, việc định hướng tổ chức du lịch sinh thái với các dòng sản phẩm du lịch bên trong và bên ngoài khu rừng Tràm Trà Sư, gắn với những tuyến tour du lịch nội địa là việc làm rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, nhằm mục đích tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng sống ven rừng Tràm để họ tham gia tích cực, có hiệu quả trong những hoạt động bảo vệ rừng bền vững.
 
Bành Thanh Hùng
Chi cục Kiểm lâm An Giang

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
9
Hôm nay:
31
Tuần này:
2837
Tháng này:
9445
Năm 2024:
53041

Tin tức trong tháng:7
Tin tức trong năm 2024:17