Một số thông tin về cây KIM NGÂN HOA

Ngành Ngọc Lan (Magnoliophyta);

Lớp Ngọc Lan (Magnoliopsida)

Phân Lớp Hoa Hồng (Rosidae) ;

Bộ Tục Đoạn (Dipsacales)

Họ Kim ngân (Caprifoliaceae) ;

Chi Lonicera ;

Tên khác: Dây nhẫn đông, Bóoc kim ngân (Tày), Chữa giang khẳm (Thái)

Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb ; Tên nước ngoài: Japanese honeysuckle (Anh), Chèverfeuille du japon (Pháp)

Theo danh y Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác) Y tông tâm lĩnh, quyển 2, Nha xuất bản y học, Năm 2017, Tr. 577. Ông đã sử dụng Kim Ngân Hoa cho kết quả hay vô cùng và ông đã để lại cho đời sau bằng bài thơ sau;

“Kim ngân hoa tục gọi Nhẫn đông,

Vị ngọt không độc, lại tiêu ung,

Uống vào tiêu độc hay vô kể,

Mới tụ thì tan, lâu phá thông”.

Danh y Hải Thượng Lãn Ông đã khẳng định công dụng hiệu quả của Kim Nhân Hoa trong điều trị tiêu ung bằng câu thơ: "Mới tụ thì tan, lâu phá thông" vậy mà ít ai biết đến loài thảo dược quý hiếm này.

Kim ngân hoa hay còn có tên gọi khác là nhẫn đông hoa. Sở dĩ có tên này vì cây không những có khả năng chịu đựng được mùa đông mà còn có thể phát triển xanh tốt vào giai đoạn thời tiết này (nhẫn đông nghĩa là chịu đựng mùa đông). Cây kim ngân khi ra hoa có điểm rất đặc biệt là những hoa ra sớm sẽ có màu trắng như bạc, sau đó một thời gian nở lâu dài các hoa này sẽ chuyển sang màu vàng, cho nên trên cùng một cây ta có thể thấy được 2 màu sắc hoa cùng hiện diện là hoa trắng và hoa vàng, vì thế cây được đặt tên là kim ngân (kim là vàng, ngân là bạc).

Cây kim ngân có thể mọc xanh tốt quanh năm, lại cho hoa đẹp và thơm, nên cây còn có thể được sử dụng để làm cây cảnh trong vườn nhà, vừa có thể sử dụng như một vị thuốc có sẵn cho gia đình.

- Hoa kim ngân hay kim ngân hoa - Flos Lonicerae là hoa phơi hay sấy khô của cây kim ngân.

- Cành và lá kim ngân - Caulis cum folium Lonicerae - là cánh và lá phơi hay sấy khô của cây kim ngân.

 

I. Mô tả

Dạng sống dây leo, thân non màu xanh hơi nâu, thân già màu nâu. Toàn cây có lông màu vàng gồm lông che chở và lông tiết. Lá đơn, mọc đối. Phiến lá hình trứng dài hoặc hơi bầu dục, đỉnh nhọn, gốc tròn, dài 5-7 cm, rộng 2,5-3,5 cm, xanh đậm ở mặt trên, nhạt hơn ở mặt dưới. Gân lông chim, 3-4 cặp gân phụ, nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá ngắn 7-9 mm, hình lòng máng, phình ra thành bờ mỏng ôm thân.

Cụm hoa dạng xim hai hoa mọc ở nách lá. Hoa không đều, lưỡng tính, màu trắng khi mới nở, về sau chuyển sang màu vàng. Cuống hoa ngắn, gần như không có. Trục phát hoa màu xanh, ngắn 2-3 mm ở các hoa cùa cành xa gốc, dài (2,5-3 cm) hơn ở các hoa của cành gần gốc. Lá bắc hơi bầu dục, đỉnh nhọn, xanh đậm ở mặt trên, nhạt hơn ở mặt dưới, dài 12-14 mm, rộng 5-6 mm.

Lá bắc con 2, hình tròn, đường kính gần 1,5 mm, nhiều lông dài. Đài hoa 5, rời, đều, hình tam giác có mũi nhọn, màu xanh, dài 1-1,5 mm, tiền khai van. Tràng hoa 5, dính nhau bên dưới thành ống bên trên chia 2 môi 4/1, ống và môi dài gần như nhau 2,2-2,5 cm, môi trên chia 4 thùy ngắn (6 mm) đều nhau, mặt ngoài cánh hoa có lông; tiền khai ngũ điểm (Hình 4.18 I).

Bộ nhị 5 nhị, rời, đều, đính gần miệng ống tràng, xen kẽ cánh hoa; chỉ nhị hình sợi, màu trắng, dài 2,4-2,5 cm, có gai nhỏ; bao phấn 2 ô, hình thuôn dài, màu vàng, dài 4-5 mm, đính giữa, nứt dọc, hướng trong; hạt phấn hình tam giác, có khuyết lõm, màu vàng, dài 60-70 µm. Bộ nhụy 3 lá noãn dính nhau thành bầu dưới 3 ô, dài 1,5 mm, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ; vòi nhụy hình sợi, màu trắng đỉnh màu xanh, dài 5-5,5 cm; đầu nhụy hình cầu, màu xanh, bề mặt chia 3 khía

Thành phần hóa học

Hoa chứa flavonoid (luteolin, luteolin-7-glucosid, lonicerin, loniceraflavon), tinh dầu ( α-pinen, α-terpineol, eugenol, carvacrol). Hoa, thân, lá, rễ chứa acid clorogenic.

Qua thực nghiệm chúng tôi thấy trong kim ngân có nhiều saponozit (Đỗ Tất Lợi). Theo GS.TS. Võ Văn Chi thì cây Kim ngân hoa có chứa một Glycozit gọi là Loganin. Hoa có một Flavonoit là Scolmozit (lonicerin) và một số chất khác.Cây thuốc AG, UBKHKTAG-1991, tr. 314.

II. Công dụng và liều dùng

Kim ngân là một vị thuốc kinh nghiệm trong nhân dân, dùng chữa mụn nhọt, rôm sảy, lên đậu, lên sởi, tả lỵ, giang mai. Một số nơi nhân dân dùng pha nước uống thay nước chè. Theo các tài liệu cổ : Kim ngân vị ngọt, tính hàn (lạnh), không độc, vào 4 kinh phế, vị, tâm và tỳ. Có năng lực thanh nhiệt giải độc, dùng chữa sốt, mụn nhọt, tả lỵ, giang mai. Uống lâu nhẹ người tăng tuổi thọ.

Trên thực tế lâm sàng, kim ngân thường được dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, sốt nóng, sốt rét, tả lỵ. Gần đây trên cơ sở thực nghiệm, kim ngân được mở rộng chữa có kết quả một số trường hợp viêm mũi dị ứng, thấp khớp và một số trừơng hợp dị ứng khác (Đỗ Tất Lợi và Nguyễn Năng An, 1966).

Theo BS. Nguyễn Thu Hiền. Ngoài tác dụng giảm dị ứng, mẩn ngứa, kim ngân hoa còn giúp chữa chứng béo phì có kèm theo cao huyết áp và rối loại lipid máu. Theo Đông y, hoa kim ngân vị ngọt, hơi đắng, không độc, tính mát, có tác dụng sát khuẩn, giải độc, thanh nhiệt, chữa thấp khớp, viêm mũi dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt, sốt xuất huyết, sởi… Trị chứng béo phì kèm cao huyết áp, rối loạn lipid máu thuộc thể vị nhiệt (triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, nặng đầu, mỏi tay chân, khát nước): Lấy hoa kim ngân, hoa cúc, sơn tra mỗi vị 10 gr, hãm khoảng 20 phút với nước sôi uống thay trà trong ngày. (BS. Nguyễn Thu Hiền đăng trên trang 

https://baomoi.com/hoa-kim-ngan-chua-beo-phi/c/4849146.epi

 

Ngoài ra, theo BS. NGUYỄN KỲ XUÂN NHỊ thì Kim ngân hoa có những lợi ích được đăng trên báo mạng Sức khỏe và đời sống cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, ngày 17 tháng 11, 2017 như sau;

Đã có một số nghiên cứu cho thấy kim ngân có vai trò trong điều trị dị ứng, viêm mũi và thấp khớp. Liều thường dùng trong ngày từ 12 - 20g hoa khô.

Ngày nay, khi chiết xuất các thành phần có trong hoa kim ngân, người ta tìm thấy trong đó một số các chất có lợi trong việc phòng cũng như điều trị bệnh như flavonoid, saponin và các yếu tố khác có công dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống khối u, làm mau liền sẹo. Đồng thời, các chất hiện diện trong cây có khả năng chống lại quá trình oxy hóa của cơ thể, ngăn chặn quá trình lão hóa cũng như có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các căn bệnh mạn tính.

Qua một số nghiên cứu về khả năng sử dụng kim ngân hoa như một loại kháng sinh thực vật, người ta đã thấy được công dụng hiệu quả của nó đối với việc đề kháng một số vi khuẩn như: trực khuẩn lỵ, dịch hạch, thương hàn, cận thương hàn, liên cầu khuẩn tan huyết và có tác dụng yếu hơn đối với các loại vi khuẩn khác như: E.coli, phế cầu, tụ cầu vàng, bạch hầu. Ngoài ra, nó còn có khả năng ức chế một số nấm ngoài da khá hiệu quả.

Kim ngân hoa có khả năng kháng viêm, giảm xuất tiết, hạ sốt, làm thanh mát cơ thể. Người xưa thường sử dụng kim ngân pha nước uống để giải nhiệt cơ thể, làm dịu mát trong những ngày thời tiết oi bức, hay cho trẻ em sử dụng để điều trị rôm sảy, mẩn ngứa.

Bài thuốc dùng kim ngân hoa

Kim ngân hoa có tác dụng thanh thấp nhiệt ở vị tràng, dùng để chữa trị kiết lỵ, có thể phối hợp với hoàng liên, rau sam. Hay dùng để lương huyết, cầm máu bằng cách đem kim ngân hoa sao vàng sém cạnh để trị chứng tiểu tiện ra máu.

Bên cạnh đó, các nhà lâm sàng còn thấy rằng sau khi sử dụng kim ngân hoa một thời gian có tác dụng làm hạ các cholesterol không có lợi trong cơ thể, đặc biệt là thành phần cholesterol trọng lượng phân tử thấp hay còn gọi là LDL-, yếu tố này nếu tăng nhiều trong hệ tuần hoàn sẽ dẫn tới những hệ quả bất lợi cho cơ thể, là nguyên nhân gây nguy cơ cao dẫn đến các căn bệnh mạn tính thường gặp như: xơ vữa động mạch, đái tháo đường, các tai biến trên mạch máu não và tim. Đồng thời, khi sử dụng nó còn làm cho cơ thể trở nên hưng phấn hơn, tạo cảm giác dễ chịu hơn, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng hoặc đối với những người có cơ địa thiên về nhiệt, hay đang mệt mỏi, nóng trong người.

Những đối tượng đang mắc bệnh cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu có triệu chứng nóng bứt rứt trong người, hay nặng đầu, hoa mắt, chóng mặt, khô khát, ra mồ hôi nhiều có thể sử dụng phối hợp kim ngân hoa với các vị thuốc như: cúc hoa, sơn tra, mỗi vị 10g hãm với nước sôi uống thay trà hàng ngày cũng mang lại những hiệu quả tích cực.

Bài thuốc cổ Ngân kiều tán phối hợp kim ngân hoa với một số vị thuốc khác dùng để điều trị mụn nhọt, sốt, cảm rất hiệu quả: kim ngân hoa 40g, liên kiều 40g, kinh giới 16g, cát cánh 24g, đạm đậu xị 20g, bạc hà 24g, ngưu bàng tử 24g, trúc diệp 16g.

Bài thuốc cổ Bạch hổ quế chi thang được sử dụng trong việc điều trị các bệnh về viêm khớp đang có diễn biến cấp tính, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp, bài thuốc phối hợp vị kim ngân hoa với các vị thuốc khác như: thạch cao 40g, kim ngân hoa 20g, quế chi 6g, tri mẫu 12g, hoàng bá 12g, thương truật 8g, tang chi 12g, ngạnh mễ 12g, cam thảo 8g.

Điều trị chứng mẩn ngứa, dị ứng có thể phối hợp các vị thuốc sau: kim ngân hoa 20g, thổ phục linh 6g, quyết minh tử sao 6g, sinh địa 8g, mạch môn 8g, hoàng đằng 8g, huyền sâm 10g, liên kiều 10g.

Cũng cần lưu ý rằng, vì kim ngân có tính chất hàn nhiều nên khi sử dụng với hàm lượng cao hoặc lâu dài sẽ khiến cho tình trạng nê trệ hệ thống tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như: ăn uống không tiêu, đầy bụng, ợ hơi hoặc nặng hơn có thể dẫn tới tình trạng tiêu phân lỏng. Các nghiên cứu hiện nay cũng cho thấy rằng, hoa kim ngân không có độc tính nên ta có thể yên tâm phần nào khi có những biểu hiện của tác dụng phụ. Nếu có xuất hiện những triệu chứng trên, người dùng hãy ngưng sử dụng hoặc giảm liều lượng trong vài ngày thì các tình trạng đó sẽ không còn nữa. BS. NGUYỄN KỲ XUÂN NHỊ, https://suckhoedoisong.vn/kim-ngan-hoa-dep-giai-nhiet-n108018.html , ngày 17 tháng 11, 2017.

Banh Thanh Hùng - Phương Thanh - Minh Hùng. Sưu tầm.

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
2
Hôm nay:
2
Tuần này:
3924
Tháng này:
10532
Năm 2024:
54128

Tin tức trong tháng:7
Tin tức trong năm 2024:17