Bảo tồn thiên nhiên » Động vật » Chi tiết loài

Tên việt nam: Cà độc dược

Tên khoa học: Datura metel L.

Địa danh: Chưa xác định

Cấp bậc sinh giới

Ngành: Thực vật

Bộ: Cà (tên khoa học là Solanales)

Họ: Cà (tên khoa học là Solanaceae)

Thuộc: Thông thường

Tình trạng bảo tồn: Rất nguy cấp (CR)

Công dụng: Chữa ho, hen

Đặc điểm nhận dạng:

Mô tả: Cây thảo cao đến 2m, sống hằng năm, phần gốc của thân hoá gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, có nhiều lông tơ ngắn.

đơn, mọc so le; phiến lá nguyên, hình trứng nhọn, gốc phiến lá không đều.

Hoa to, mọc đứng, thường đơn độc, ít khi xếp từng đôi ở nách lá; đài hoa liền nhau, hình ống, màu xanh, phía trên có 5 răng; cánh hoa màu trắng, dính liền với nhau thành hình phễu dài đến 20cm nhưng vẫn thấy có 5 thuỳ, có 5 nhị dính trên cánh hoa; bầu trên, có 2 lá noãn, hàn liền nhau, chứa nhiều noãn. Mùa hoa quả: Tháng 4 đến tháng 11.

Quả hình cầu, màu lục, đường kính 3cm, có nhiều gai ở mặt ngoài chứa nhiều hạt dẹt, nhăn nheo.

Phân bố và sinh thái: Cây của vùng Ấn độ, Mã lai mọc hoang và cũng được trồng làm cảnh và làm thuốc. Trồng bằng hạt trước mùa mưa. Cành lá có thể thu hái quanh năm, hoa thu hái vào mùa thu, hạt lấy những ở quả chín đã ngả màu nâu. Có xuất hiện tại tỉnh An Giang.

Bộ phận dùng: Phần cây trên mặt đất

Tính chất và tác dụng: Trong cây chứa nhiều ancaloid như daturin, hyoscyamin, scopolamin. Lượng ancaloit trong lá và hạt khoảng  0,2 – 0,5%. Chúng có tác dụng làm dịu hệ thống thần kinh và chống co thắt. Theo y học cổ truyền cà độc dược có vị đắng và cay, nóng, rất độc, có tác dụng làm tê giảm đau trị ho.

Công dụng: Lá cà độc dược là vị thuốc chặn cơn hen suyễn, chống co bóp trong bệnh đau loét dạ dày ruột, chống say sóng gây chóng mặt, nôn mửa khi đi tàu, thuyền và máy bay. Còn dùng chữa phong tê thấp, cước khí (sưng chân), đau dây thần kinh toạ, đau răng, động kinh, lòi dom. Lá đem ngâm lấy nước trị chứng ho có tính co cứng, suyễn và các nhánh khí quản viêm.Cánh hoa có tác dụng trấn tĩnh và trấn thông rất rõ rệt. Còn dùng làm tê trong phẫu thuật.

Cách dùng: Thường được dùng dưới dạng cao, bột, cồn thuốc, cồn thuốc tươi. Dùng ngoài làm thuốc hút, nướng đắp hoặc giã đắp. Để trị hen, dùng 1-1,5g lá hoặc hoa khô cuốn vào giấy hút lúc lên cơn hen. Dùng lá hoặc hạt ngâm rượu uống mỗi ngày 10-15 giọt chữa nôn mửa, đau dạ dày ruột. Có thể ngâm lá tươi vào rượu để dùng. Dùng ngoài đắp mụn nhọt cho khỏi đau nhức, hơ nóng đắp trị đau dây thần kinh toạ.

Chú ý: Lá cây có độc, khi dùng phải thận trọng. Khi đã phát hiện là bị trúng độc, phải giải độc bằng đường vàng và Cam thảo.

Tình trạng khai thác và bảo vệ tại An Giang: Loài cây này hiếm có trong thiên nhiên trên vùng đồi núi của tỉnh. Khuyến khích các trạm xá, Hội đông y, hội Chử thập đỏ gây trồng sử dụng.

Bành Thanh Hùng, sưu tầm và biên soạn.

Nguồn: Cây thuốc An Giang, Võ Văn Chi, UBKH-KT, 1991, tr.75.

Ảnh nhận dạng

Ảnh nhận dạng 1
Ảnh nhận dạng 2
Ảnh nhận dạng 3

Bản đồ vị trí

Bản đồ nhận dạng 1
Vĩ độ: 10.559245
Kinh độ: 104.951234

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
12
Hôm nay:
168
Tuần này:
2974
Tháng này:
9582
Năm 2024:
53178

Tin tức trong tháng:7
Tin tức trong năm 2024:17