Bảo tồn thiên nhiên » Động vật » Chi tiết loài

Tên việt nam: Cá rô đồng (Tên tiếng Anh: Climbing perch)

Tên khoa học: Anabas testudineus Bloch, 1792

Địa danh: Chưa xác định

Cấp bậc sinh giới

Ngành: Dây sống (tên khoa học là Chordata)

Bộ: Cá Tai Tượng (tên khoa học là Perciformes)

Họ: Cá rô đồng (tên khoa học là Anabatidae)

Thuộc: Thông thường

Tình trạng bảo tồn: Không dánh giá (NE)

Đặc điểm nhận dạng:

Địa điểm thu mẫu: Mẫu cá được thu tại chợ Mới, Châu Thành, Tân Châu, Tri Tôn, Thoại Sơn, An Phú, Châu Phú, Châu Đốc,Phú Tân.


Kích thước: Cá thu được có kích thước trung bình 8,92 cm. Cá có kích thước nhỏ, cỡ lớn nhất đạt 20 cm.


Phân bố: Cá sống ở tất cả các thủy vực nơi ngập nước. Ngoài ra, cá phân bố rộng từ Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, đến Thái Lan, Ấn Độ, Phi Luật Tân và các quần đảo giữa Ấn Độ và Úc Châu. Tại thủy vực tỉnh An Giang chúng phân bố chủ yếu vùng nội đồng, vùng ngập lũ, các lung bàu, khu rừng tràm…


Đặc điểm sinh học: Cá rô đồng có cơ quan hô hấp phụ nằm trên cung mang thứ nhất (hoa khế), cơ quan hô hấp phụ giúp cá sống được trong môi trường thiếu oxy. Cá rô đồng có khả năng sống và di chuyển trên cạn rất xa. Cá có thể sống trong điều kiện pH rất thấp, trong nước phèn (pH < 4) cá vẫn sống và sinh trưởng bình thường. Nông dân vùng ĐBSCL nói cá rô đồng là cá thời tiết, khoảng đầu tháng 5 – 6 cá mang trứng,  khi hạt mưa đầu mùa bắt đầu rơi là cá sinh sản.
Cá rô là loài cá ăn tạp thiên về động vật, thức ăn của cá bao gồm các loài động vật không xương sống ở nước, ấu trùng côn trùng, cá con, giáp xác… và một số loài rong như: Spyrogyra, Characeae…
Cá có kích thước nhỏ, thường gặp cỡ 50 – 100gr, ít khi gặp cỡ 300 – 400g, tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với các loài khác. Cá sống trong tự nhiên một năm tuổi đạt kích cỡ 50 – 80gr ở cá cái và 50 – 60g ở cá đực. Nếu nuôi trong ao với thức ăn có hàm lượng đạm 28 – 30% thì sau 6 tháng cá đạt cỡ 60 – 100gr.
Cá thành thục sinh sản lần đầu sau 10 tháng tuổi (cỡ 50 – 60g), mùa sinh sản trong tự nhiên của cá rô đồng tập trung vào các tháng đầu và giữa mùa mưa, cao nhất là tháng 6 – 7. Sức sinh sản tuyệt đối của cá đạt đến 120,000 trứng và còn phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể cá cái khoảng 1.000.000 trứng/kg cá cái. Thời gian tái thành thục từ 25 – 30 ngày, có thể đẻ từ 3 – 4 lần/năm. Hiện nay có thể sinh sản nhân tạo bằng các chất kích thích như HCG, LHRH, trứng cá rô đồng có hạt mỡ nên nổi được trong nước, cá đực canh giữ tổ và cá con.


Giá trị kinh tế: Cá có thịt ngon, sản lượng trung bình, được sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm thành công, có giá trị kinh tế cao.


Khai thác: Ngư cụ được dùng khai thác: Lưới rùng, lưới kéo, câu, chài.


Hiện trạng nghiên cứu và phát triển: Hiện tại việc sinh sản nhân tạo đối tượng này rất đơn giản nên  người dân đã chủ động được nguồn giống để nuôi.

 

Khu sinh cảnh rừng Tràm Trà Sư:    Có loài cá Rô đồng, khoảng 03 con/kg, thịt săn chắt, rất thơm ngon.

 

Bành Thanh Hùng,

Nguồn: Điều tra, nghiên cứu về sự hiện diện của các loài thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh An Giang, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Tp Hồ Chí Minh 4/2007.

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
12
Hôm nay:
730
Tuần này:
2602
Tháng này:
9210
Năm 2024:
52806

Tin tức trong tháng:7
Tin tức trong năm 2024:17