VAI TRÒ CỦA RỪNG ĐỐI VỚI BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

BÁO CÁO THAM LUẬN
Trần Thế Liên. Vụ trưởng Vụ BTTN


1. Hiện trạng đa dạng sinh học Hệ sinh thái rừng.

Cuộc sống của chúng ta liên quan mật thiết đến nguồn tài nguyên mà trái đất cung cấp (đất, nước, không khí, khoáng sản, động vật, thực vật), nhưng với tình trạng khai thác quá mức của mình, loài người bước vào thế kỷ XXI phải đối mặt với một thử thách hết sức gay go, suy giảm đến mức nghèo kiệt hệ sinh thái và làm gia tăng sự mất mát về các loài động vật và thực vật được gọi chung là đa dạng sinh học. Đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, là cơ sở của sự sống còn, sự thịnh vượng và phát triển bền vững của loài người và sự bền vững của thiên nhiên trên trái đất.

Bảo vệ đa dạng sinh học theo nguyên tắc bền vững là quan điểm xuyên suốt của công tác bảo tồn và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá của chúng ta. Chính vì vậy, Liên hiệp quốc và các quốc gia thành viên của Công ước ĐDSH đã chọn ngày 22 tháng 5 hàng năm là Ngày ĐDSH Quốc tế và tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm tăng cường hiểu biết của người dân và cảnh báo về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này. Đồng thời tạo cơ hội để chúng ta có cái nhìn công bằng, đầy đủ và toàn diện hơn đối với ĐDSH.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố Thập kỷ 2011-2020 là Thập kỷ Liên Hợp Quốc về ĐDSH nhằm thúc đẩy các chiến lược ĐDSH và tầm nhìn toàn diện về cuộc sống hài hoà với thiên nhiên với mục tiêu đảm bảo ĐDSH ở mọi cấp độ khác nhau. Liên Hợp Quốc nhấn mạnh các hệ sinh thái ổn định sẽ tạo ra nhiều việc làm. Trong khi thế giới phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên, sử dụng bền vững hệ sinh thái không chỉ là đường lối xanh sinh thái mà còn là trụ cột không thể thay thế của phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai. Hoạt động của con người gây ra sự tuyệt chủng của động thực vật nhanh gấp hàng trăm hoặc hàng nghìn lần tốc độ tuyệt chủng tự nhiên. Thực trạng hiện nay cho thấy, Con người đã khai thác nguồn tài nguyên ĐDSH quá mức, ngay cả trong các khu BTTN, dẫn đến sự suy thoái làm mất cân bằng sinh thái và tất nhiên kéo theo những thảm hoạ mà loài người đang phải gánh chịu như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng,...trong thập kỷ vừa qua. Mặc dù Chính phủ các nước đã nỗ lực trong việc thành lập nhiều khu bảo tồn, với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền tài nguyên thiên nhiên, nhưng ĐDSH trên thế giới vẫn đang bị suy thoái nghiêm trọng. Trong những năm vừa qua sự mất mát về các loài, sự suy thoái của các hệ sinh thái tự nhiên, nhất là rừng nhiệt đới đã diễn ra một cách nhanh chóng chưa từng thấy, mà nguyên nhân chính là do tác động của con người. Đến nay đã có hơn 40% diện tích rừng nhiệt đới nguyên thuỷ bị huỷ diệt, trung bình hàng năm khoảng 6 - 7 triệu hecta đất trồng trọt bị mất khả năng sản xuất do nạn xói mòn. Ước tính 5 - 10% số loài động thực vật trên thế giới có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng vào khoảng giữa những năm 1990 đến 2020, và số loài bị tuyệt chủng sẽ tăng lên đến 25% vào khoảng năm 2050. Trước đòi hỏi bức thiết đó, Chính phủ các nước trên thế giới đã thông qua 05 Công ước Quốc tế liên quan đến bảo tồn ĐDSH (Công ước ĐDSH; Công ước có tầm quan trọng Quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của chim nước, Công ước RAMSAR; Công ước về buôn bán Quốc tế các loài động thực vật hoang dã đang bị nguy cấp (CITES); Công ước về bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới; Công ước về bảo vệ các loài ĐVHD di cư (CMS)).

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tính ĐDSH cao với các hệ sinh thái quan trọng, cùng với điều kiện khí hậu, thuỷ văn phong phú tạo cho rừng Việt nam có mức độ ĐDSH cao với trên 7.000 loài thực vật bậc cao là nơi trú ngụ của gần 300 loài thú, 260 loài bò sát ếch nhái, 826 loài chim, 120.000 loài côn trùng và 2.000 loài cá nước ngọt đã được xác định. Vai trò của rừng có nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo tồn ĐDSH. Là những bể hấp thụ khí CO2 khổng lồ để giảm hiệu ứng khí nhà kính một trong những nguyên nhân gây ra sự biến đổi khí hậu; Rừng cung cấp và điều tiết nguồn tài nguyên nước, giảm lũ lụt, xói mòn, rửa trôi đất, bảo vệ sản xuất và các công trình hạ tầng cơ sở; Hạn chế hiện tượng sa mạc hoá cục bộ hay trên diện rộng, góp phần điều hoà khí hậu trong khu vực kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong nhiều thập kỷ qua, với những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng Quốc tế, công tác bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhận thức về rừng của toàn xã hội được nâng cao, quan điểm đổi mới xã hội hoá được triển khai thực hiện có hiệu quả; hệ thống pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ngày càng hoàn thiện; chế độ chính sách lâm nghiệp, nhất là chính sách về đa dạng hoá các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội tham gia vào các hoạt ðộng lâm nghiệp, bảo vệ sinh thái môi trường, bảo tồn ĐDSH; cung cấp các dịch vụ môi trường rừng; góp phần vào việc thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng của các ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội ngày càng được làm rõ và nâng cao. Nhà nước đã tăng cường đầu tư thông qua nhiều chương trình, dự án đã làm cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH ngày càng chuyển biến tích cực.
Hệ thống rừng phòng hộ và đặc dụng Việt Nam đã phát huy tốt vai trò bảo vệ ĐDSH, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan môi trường rừng; góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và có tác động tích cực đối với phát triển kinh tế, xã hội ở cấp quốc gia và địa phương. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, mặc dù nhiều nỗ lực đã thực hiện để giảm tốc độ xói mòn ĐDSH, nhưng ĐDSH ở Việt Nam vẫn đang bị suy thoái nhanh. Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu h p dần. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Nhiều loài hoang dã có giá trị bị suy giảm hoàn toàn về số lượng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao. Các loài động, thực vật hoang dã đang bị de dọa được liệt kê trong sách Đỏ Việt Nam (2007) là 430 loài, và trong Danh lục Đỏ Việt Nam (2007) là 462 loài, tăng 161 loài so lần xuất bản Sách Đỏ trước đây (1992- 1996). Đặc biệt đến thời điểm này, có tới 9 loài động vật và 2 loài Lan hài được xem là đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Nhiều loài sinh vật quý hiếm khác đã và đang bị giảm sút số lượng nghiêm trọng. Việc tăng nhanh độ che phủ của rừng là một tín hiệu tốt, nhưng cũng nên chú ý là một phần diện tích rừng tăng lên là rừng trồng và rừng phục hồi giá trị ĐDSH không cao. Trong khi đó rừng giàu và rừng nguyên sinh vẫn tiếp tục bị suy giảm.

2. Một số nguyên nhân suy giảm đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng.

2.1. Áp lực về dân số tăng nhanh; đòi hỏi về nhu cầu đất ở đất sản xuất và khai thác lâm sản phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, nhất là đối với khu vực người dân nghèo thiếu đất sản xuất nông nghiệp, sống chủ yếu dựa vào rừng để khai thác, săn bắt động vật hoang dã. Đây là áp lực rất lớn đối với các khu rừng phòng hộ, đặc dụng hiện nay, mặc dầu cộng đồng đã có những cam kết tham gia bảo vệ rừng nhưng sự gắn kết, phối hợp chưa được tốt. Việc quản lý nhân hộ khẩu của các cấp chính quyền địa phương còn hạn chế, chưa quan tâm dẫn đến một số đối tượng ở nơi khác đến lợi dụng, xúi dục, lôi kéo một số đối tượng trong cộng đồng vi phạm luật bảo vệ phát triển rừng.

2.2. Giá trị lâm sản quý hiếm và động vật rừng ngày càng cao trong khi đó tài nguyên rừng ở vùng đệm và khu vực lân cận các khu rừng phòng hộ, đặc dụng hầu như đã cạn kiệt, nên áp lực vào rừng ngày càng lớn, dẫn đến ĐDSH hệ sinh thái rừng giảm.

2.3. Nhiều diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng bị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng các công trình thuỷ điện, công trình cơ sở hạ tầng, đường giao thông, khai thác khoáng sản đã tạo áp lực lớn đối với quản lý bảo vệ rừng tạo điều kiện cho các hoạt động phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép, ảnh hưởng ĐDSH rừng.

2.4. Lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, địa bàn hoạt động rộng, trang thiết bị, phương tiện còn thiếu chưa đáp ứng được tình hình quản lý BVR hiện nay. Việc xử lý một số vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng thiếu nghiêm minh, kéo dài, chưa trừng trị thích đáng kẻ chủ mưu tổ chức và xúi giục người khác vi phạm lâm luật, nên chưa có tác dụng răn đe kẻ vi phạm, do đó tác dụng giáo dục, phòng ngừa không cao, dẫn tới biểu hiện coi thường pháp luật, chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng chất lượng tài nguyên rừng.

2.5. Sự phối kết hợp giữa các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành chức năng chưa thường xuyên liên tục và đồng bộ mà chỉ hoạt động theo chiến dịch. Đặc biệt là chính quyền địa phương cấp xã, một số xã chưa làm tốt công tác tuyên truyên giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân, chưa phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ rừng để kiểm tra trấn áp bọn lâm tặc dẫn đến chất lượng rừng tự nhiên bị đe dọa.

2.6. Về chính sách đầu tý cho các khu rừng phòng hộ, đặc dụng còn hạn chế, thiếu các dự án phát triển vùng đệm. Tỷ trọng vốn đầu tư của xã hội cho công tác bảo vệ rừng không đáng kể, chủ yếu mới chỉ bố trí cho khoán bảo vệ rừng từ dự án 661. Tình hình biến đổi khí hậu kèm theo thời tiết diễn biễn ngày càng phức tạp, khô hạn kéo dài, bão lũ xảy ra thường xuyên gây thiệt hại tới tài nguyên sinh vật.

3. Định hướng công tác bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng.

3.1. Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn:
Đây là việc làm ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong thời gian tới cần xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện Luật BVPTR; Luật Thuỷ sản; Luật ĐDSH. Trong đó, ưu tiên xây dựng chiến lược quản lý hệ thống khu BTTN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Xây dựng chính sách đầu tư phát triển hệ thống rừng đặc dụng đến năm 2020; Xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn các loài nguy cấp quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn.

3.2. Hoàn thiện công tác quy hoạch hệ thống rừng phòng hộ, đặc dụng theo quy định pháp luật hiện hành: tổ chức rà soát quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững đối với 2,2 triệu ha rừng đặc dụng và 5,3 triệu ha rừng phòng hộ được quản lý thống nhất trên cơ sở thiết lập lâm phận quốc gia ổn định, theo hệ thống tiểu khu, khoảnh, lô trên bản đồ và và cắm mốc ngoài thực địa.

3.3. Thiết lập quản lý bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học HST rừng: đẩy mạnh công tác tuần tra truy quét những khu vực trọng điểm phá rừng, khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trái phép; các khu vực giáp ranh; thực hiện xử lý nghiêm các vụ vi phạm quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần quản lý. Tiếp tục thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng đối với các khu rừng phòng hộ, đặc dụng; Triển khai thực hiện Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của TTCP; Thực thi chính sách chia sẻ lợi ích theo Quyết định số 126/QĐ-TTg của TTCP và Quyết định số 57/QĐ-TTg của TTCP về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

3.4.Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH rừng. Đổi mới phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận thông tin, nhất là đối với đồng bào dân tộc sống ở những vùng sâu, vùng xa. Đưa kiến thức cơ bản về bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH vào chương trình giảng dạy ở cấp tiểu học và trung học. In ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng để phân phát cho các cộng đồng, xây dựng các bảng tuyên truyền ở những khu vực công cộng, trên giao lộ, vùng đệm khu rừng phòng hộ, đặc dụng.

3.5. Mở rộng sự tham gia, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế thông qua các hiệp định, điều ước quốc tế, hợp tác với các tổ chức quốc tế, khu vực và song phương trong lĩnh vực bảo tồn rừng như Công ước về buôn bán quốc tế động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Công ước về đa dạng sinh học (CBD), Công ước về chống sa mạc hoá (UNCCD), Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)... để nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới và trong khu vực, đồng thời tranh thủ tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ mới như Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Cơ chế phát triển sạch (CDM), RED+. Tăng cường vận động, thu hút nguồn vốn ODA cho bảo tồn rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân và nâng cao hiệu quả quản lý ngành lâm nghiệp. Chủ động hợp tác tích cực với các quốc gia, các viện, trường trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và khuyến lâm để nhanh chóng tiếp cận các chuẩn mực khoa học và công nghệ tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.

Để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng, góp phần thực hiện các chương trình, chiến lược về bảo tồn đa dạng sinh học của quốc gia. Góp phần vào công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học chung trên toàn cầu và thực hiện các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã cam kết. Tại buổi lễ long trọng Hưởng ứng ngày ĐDSH quốc tế, ngày môi trường thế giới, Ngày thế giới phòng chống sa mạc hóa Đề nghị các Bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể, các nhà khoa học, tổ chức trong nước và quốc tế, hãy thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực góp phần vào việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học./.

Ths. Bành Lê Quốc An, sưu tầm.

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
13
Hôm nay:
1249
Tuần này:
5171
Tháng này:
11779
Năm 2024:
55375

Tin tức trong tháng:7
Tin tức trong năm 2024:17