Làm theo Bác dạy vì lợi ích 10 năm trồng cây

“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

Từ lâu, câu thơ của Bác Hồ đã đi vào long của người dân Việt Nam, kể từ đó đến tới nay, đã thành một truyền thống tốt đẹp và cứ mỗi dịp Xuân về thì “Tết trồng cây” đã thực sự trở thành ngày hội của toàn dân về trồng cây, trồng rừng để bảo vệ môi trường sinh thái góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường như hiện nay. Truyền thống đó đã mang lại giá trị thực tiễn, đậm nét văn hoá và giàu ý nghĩa nhân văn.


Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn yêu thiên nhiên, sống gần gũi với thiên nhiên nên từ những ngày hoạt động cách mạng, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn luôn chú trọng tới việc xây dựng và bảo vệ môi trường. Bác coi việc sống hòa mình với thiên nhiên như một cách để nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ. Bác không chỉ nêu rõ giá trị của việc trồng cây, gây rừng mà còn chỉ rõ những hậu quả và thiệt hại khi chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lý: “Ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” và “nếu rừng kiệt thì không còn gì và mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lụt và hạn hán”. Chính vì thế mà Bác ví rừng là vàng và căn dặn: “Chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”, Bác dạy rằng: “Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quí”. Và rồi Bác kêu gọi nhân dân ta “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng… Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình” và ngay trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.

Rừng là một hệ sinh thái giữ vai trò chủ đạo đối với cuộc sống của con người, môi trường: cung cấp nguồn gỗ, củi, điều hòa khí hậu, tạo ra oxy, điều hòa nước, là nơi cư trú của các loài động thực vật và tàng trữ các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, đảm bảo cho sự sống, bảo vệ sức khỏe của con người. Vì vậy, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền tỉnh An Giang đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây phân tán. Các phong trào trồng cây đã được nhân dân và các lực lượng vũ trang An Giang hưởng ứng nhiệt tình. Từ năm 2011 đến nay đã tham gia trồng cây phân tán khoảng 06 triệu cây các loại trên các tuyến kênh rạch, khu dân cư chống lũ, bảo vệ công trình nông thôn, bảo vệ 14.000 ha rừng hiện có trong toàn tỉnh phát triển xanh tốt, từng bước phát huy vai trò phòng hộ chống xói mòn, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và quan trong hơn là sai trò phòng hộ về Quốc phòng. Mặt khác, thể hiện rõ nét nhất của việc khôi phục lại rừng trên các đồi núi mang lại đó chính là tạo cảnh quan xanh, đẹp để làm đà cho ngành du lịch phát triển bền vững trước mắt và lâu dài.


Năm nay, chủ đề Ngày Môi trường thế giới 05/6/2014 (tạm dịch là):“Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” (Raise your voice, not the sea level) hướng tới chủ đề rộng lớn là biến đổi khí hậu và tác động của nó. Với vai trò của Rừng có tác dụng điều hòa khí hậu toàn cầu, thông qua làm giảm đáng kể lượng nhiệt chiếu từ mặt trời xuống bề mặt trái đất do che phủ của tán lá cây rừng là rất lớn so với các loại hình sử dụng đất khác, đặc biệt là vai trò hết sức quan trọng của rừng trong việc duy trì chu trình carbon trên trái đất mà nhờ đó nó có tác dụng trực tiếp đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngoài ra, Rừng còn có vai trò độc đáo nữa là điều tiết nước, phòng chống lũ lụt, xói mòn: Rừng có vai trò điều hòa nguồn nước giảm dòng chảy bề mặt chuyển nó vào lượng nước ngấm xuống đất và vào tầng nước ngầm. Khắc phục được xói mòn đất, hạn chế lắng đọng lòng sông, long hồ, điều hòa được dòng chảy của các con sông, con suối làm tăng lượng nước sông, nước suối vào mùa khô, giảm lượng nước sông suối vào mùa mưa. Do đó, mọi người hãy chung tay bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng để bảo vệ môi trường sống. Hãy hành động từ chính mỗi cá nhân, mỗi gia đình nhằm bảo vệ môi trường, để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh hơn, sạch đẹp hơn.

Ngày nay, trái đất của chúng ta đang đứng trước những vấn nạn như ô nhiễm môi trường, nóng lên do hiệu ứng nhà kính, thiên tai lũ lụt và hạn hán…..thì công cuộc trồng thêm cây, bảo vệ rừng trên các đồi núi trong tỉnh và sống thân thiện với thiên nhiên đã trở thành một trong những nghĩa vụ đặc biệt đối với mọi người, đó là hành động khôn ngoan cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau./.

Bành Thanh Hùng

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
15
Hôm nay:
493
Tuần này:
2686
Tháng này:
14404
Năm 2024:
41308

Tin tức trong tháng:5
Tin tức trong năm 2024:10