Về Trà Sư

Nếu đã từng ghé qua rừng tràm Trà Sư, ắt hẳn chúng ta không thể nào quên được nơi này, mảnh đất với cảnh quan kỳ thú, con người chất phát, thật thà nhưng giàu lòng mến khách tạo cảm giác như đã quen nhau từ trước …

Với tổng diện tích 845 ha vùng lõi và vùng đệm là những cánh đồng lúa vàng bát ngát, thẳng cánh cò bay thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, cách biên giới Việt Nam – Campuchia 10km, rừng tràm Trà Sư có đến 140 loài thực vật, trong đó có chủ yếu là tràm bao phủ hầu hết diện tích. Về động vật, có 11 loài thú, 22 loài bò sát, 5 loài ếch nhái, 70 loài chim. Trong đó, 2 loài chim nằm trong Sách đỏ Việt Nam là giang sen và cò cổ rắn (điêng điểng). Ngoài ra, 10 loài cá đen (lóc, trê, rô,..) sống quanh năm và 13 loài cá trắng (mè dinh, lăng, linh..) chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi.
Với màu xanh bạt ngàn của cánh rừng, Trà Sư như vừa hứa hẹn, vừa hối thúc người khách phương xa về với nơi này…

Về Trà Sư, bắt gặp đâu đây hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, chợt nhớ xa xăm về ngày trước, ngày của những sức người, lao động vất vả bán mặt cho đất bán lưng cho trời để có bát cơm vừa dẻo vừa thơm … chợt thấy khung cảnh rộn ràng trong mùa gặt, tiếng í ới, tiếng trẻ nhỏ cười và tiếng chó sủa trong lúc rượt đuổi bắt chuột đồng. Nghe cay cay sóng mũi khi mùa đốt đồng với các làn khói làm tức ngực người ta nhưng trong khói có mùi của đất, của rơm rạ, của hạt gạo trắng ngần và của cả những giọt mồ hôi…

Về Trà Sư, vô tư tắm sông tắm ruộng. Tay thò vô hang bắt con cua càng kềnh, bị kẹp đau nhói ruột, nhăn nhó nhìn ngón tay đau nhưng vẫn nhất quyết bắt cho bằng được chỉ để…bẻ cái càng. Bắt con cá lóc nướng trui, dĩa rau sống và một chén nước mắm me thêm vài xị đế, miệng hát câu vọng cổ cho thiệt mùi để thấy được cái thần, cái chất của con người miền Tây.

Về Trà Sư, miên man theo từng cánh cò. Cò ở đây rất nhiều tạo thành những sân cò, sân quạ. Chúng nằm trên cây nhưng không ai bắt, vì đã được cấp giấy chứng nhận cho lưu trú, hình thành một vươn quốc, chỉ cần với tay là dễ dàng bắt được nhưng chẳng ai làm thế. Bên cạnh còn có những chú Dơi tinh nghịch treo mình đong đưa trên những cành cây, tất cả đều được lực lượng Kiểm lâm bảo vệ, dần dần chúng trở nên dạn dĩ với người hơn. Lòng yêu thiên nhiên tồn tại trong lòng của con người nơi đây dường như từ thời khai hoang lập ấp. Biết dựa vào thiên nhiên mà sống, con người với thiên nhiên như một phần thân thể, một phần hơi thở. Vì thế, chẳng mấy khi thấy người ta chặt tràm bừa bãi, giết cò vô tội vạ như những nơi khác.

Đứng trên đài quan sát với chiếc kính viễn vọng, nhìn thấy cái bụng trắng hếu của ông Phật Di lặc trên Thiên Cấm sơn, thấy bảy dãy núi nối đuôi nhau chạy, thấy bóng dáng đôi sam khắng khích rồi thấy yêu mảnh đất này hơn. Nó quá đẹp so với những gì mà báo chí đã ca ngợi. Muốn lên được tới tầng cao nhất của đài quan sát này, phải leo qua biết bao tầng, nhưng chỉ cần lên tới đỉnh, mọi mệt mỏi dần như tan biến, gió thổi lồng lộng như muốn lau nhanh những giọt mồ hôi của người khách phương xa vừa vượt trận đường dài, như muốn làm tan đi cái khó khăn, u uất đời thường để cùng quyện vào vẻ đẹp nơi này.

Về Trà Sư cùng thử thách mình với chiếc cầu khỉ. Đi mà không biết cách là dễ dàng rớt tủm xuống sông. Tay vịn đong đưa, thân cầu lắt lẻo, vừa đi vừa vịn như khỉ trên… chiếc cầu khỉ. Chỉ cần nhắc tới cầu khỉ là biết ngay đó là phương tiện sử dụng của người miền Tây. Hình ảnh chiếc áo bà ba, một tay vịn nón, một tay vịn cầu đã khác sâu vào lòng của người phương xa và khi không còn ở mảnh đất thân thương này nữa thì sẽ nhớ mãi…

Thêm một điều thú vị khi đến Trà Sư là sử dụng xuồng ba lá. Xuồng ba lá nếu không biết cách bơi, chiếc xuồng sẽ xoay thành vòng tròn, khó mà thoát được, nhiều khách phương xa dở khóc dở cười với chiếc xuồng bé con này. Nhưng các cô thiếu nữ mặc áo bà ba, đội nón lá thì chỉ cần khua nhẹ mái dầm là đưa con xuồng 3 lá chở khách tham quan rừng lước đi một cách nhẹ nhàng. Dòng kênh xanh, chiếc xuồng bé con giữa các tán tràm tạo thành khung cảnh tuyệt đẹp, gợi nên nỗi nhớ nhung cho những ai đã từng về với Trà Sư và đó là một niềm ao ước cho những khách phương xa chưa từng được đến. Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên mà đất trời đã ban cho nơi này thì bạn còn ngất ngây trước vẻ đẹp thanh khiết đầy quyến rũ của sự sắc sảo, mặn mà, với đôi mắt đen tròn và nụ cười bẽn lẽn của các cô thôn nữ, rất ngây thơ, rất hồn nhiên hòa quyện vào nhau tao thành sự duyên dáng đặc trưng riêng của Trà Sư trên mảnh đất giàu tình thương, đúng chất Nam Bộ lấy nhân nghĩa làm đầu đã làm xao xuyến lòng người “Mình về ta chẳng cho về; Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ; Câu thơ ba chữ rành rành; Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba”.

Trà Sư là thế, vừa hứa hẹn, vừa hối thúc và nặng nghĩa tình. Nghe tiếng chim ríu rít chuyền cành để tâm hồn mình thêm thanh thản, quảng gánh lo âu, quên đi những vướng bận cuộc đời để hòa vào cái mênh mông của thiên nhiên mà tận hưởng cái không khí trong lành, mát mẻ để thêm yêu cuộc sống này hơn. Để khi rời xa, thì vẫn còn nghe như trong tâm thức vang lên tiếng gọi… Trà Sư ơi…

Diễm Trinh – Trạm Kiểm lâm Trà Sư

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
16
Hôm nay:
555
Tuần này:
2795
Tháng này:
15147
Năm 2024:
58743

Tin tức trong tháng:7
Tin tức trong năm 2024:17