Phòng cháy hơn chữa cháy

Cháy rừng không chỉ thiêu hủy cây rừng – thành quả lao động sản xuất lâm nghiệp mà còn gây hậu quả nghiêm trọng đến sinh cảnh và môi trường.Cháy rừng là sự xuất hiện và lan truyền của những đám cháy trong rừng mà không nằm trong sự kiểm soát của con người; gây lên những tổn thất nhiều mặt về tài nguyên, của cải và môi trường Đẩy mạnh công tác quản lý và PCCC rừng mùa khô
Đã trở thành thông lệ, bước sang tháng chạp hàng năm, mùa mưa chính thức chấm dứt thì khu vực đồi núi lại bắt đầu oi bức, thời tiết ngày càng khô hanh khi chuyển dần sang mùa khô. Đây cũng là thời điểm ngành Kiểm lâm tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng đồi núi.


Các xã, phường, thị trấn khu vực đồi núi của các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên và thị xã Châu Đốc hoàn tất công việc triển khai phương án bảo vệ và PCCC rừng mùa khô 2011. Mục tiêu chung đặt ra: Phòng là chính, chữa cháy kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, quyết tâm bảo vệ diện tích rừng hiện có và hạn chế thấp nhất thiệt hại khi sự cố xảy ra.
Ban Chỉ huy cấp huyện còn lưu ý cấp xã có diện tích rừng đồi núi cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, kiên quyết ngăn chặn nạn chặt phá rừng và tình trạng lấn chiếm đất rừng.
Trong đó, đề cao công tác thông tin, phối hợp tuyên truyền trên địa bàn dân cư xóm, ấp về Quy ước bảo vệ và phát triển rừng; vận dụng các hình thức truyền thanh, phóng thanh lưu động và cổ động trực quan bằng tiếng Việt và cả tiếng Khơ-me.
Toàn huyện Tịnh Biên có hơn 5.600 héc-ta rừng đồi núi. Các khu vực núi Phú Cường 275 héc-ta, núi Nhọn 26 héc-ta, cụm núi Đất 130 héc-ta… được xác định là 3 vùng trọng điểm cháy; còn các khu vực Latina 500 héc-ta và Thalot 800 héc-ta (núi Cấm), núi Dài nhỏ 337 héc-ta… cũng có khả năng cháy.
Tại huyện Tri Tôn có hơn 4.000 héc-ta rừng đồi núi, trong đó vùng có nguy cơ cháy cao như: đồi 81, vồ Cờ, đồi 400 (núi Dài); vườn tầm vông và cây ăn quả ven chân núi Dài từ vồ Đá Bia đến ô Vàng (Ba Chúc – Lê Trì); Sà Lôn, ô Bà Bé, ô Cây Chương, Bụng Ông Địa, Điện Tàu Cau (Lương Phi); đồi 500, Tức Dụp (núi Cô Tô)… với tổng cộng 1.850 héc-ta, chiếm 39,93% diện tích. Bên cạnh đó, còn 700 héc-ta (chiếm 15,11% diện tích) rừng vùng có khả năng cháy, như: Bến Bà Chi (núi Dài), Kẹt Cần Đước, Đa Pà Lầy, Tiếp Xiêm, Sơi Rưới (núi Cô Tô), chân núi Dài đến bến chợ Lương Phi.
Đối với huyện Thoại sơn có núi Sập (thị trấn Núi Sập), núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo) và thị xã Châu Đốc có núi Sam (phường Núi Sam). Ngoài ra, có các trại cưa nhỏ lẻ ven bìa rừng, các quán ăn tại Tri Tôn, Ba Chúc, Lương An Trà, Tân Tuyến (huyện Tri Tôn) và các chợ, tuyến biên giới thuộc An Nông, An Phú, Nhơn Hưng, rừng tràm Trà Sư, An Hảo (huyện Tịnh Biên) cũng nằm trong “tầm ngắm” trọng điểm mua bán gỗ và săn bắt, mua bán động vật hoang dã cần phải quản lý chặt chẽ; đồng thời, giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm quy định về chặt phá rừng, bắt ong, rà sắt, lấy thuốc nam…
Rừng đồi núi Bảy Núi gắn với du lịch tâm linh và thắng cảnh toàn vùng nên vào thời điểm Tết Tân Mão sắp tới sẽ thu hút mạnh người hành hương và du khách tham quan đến từ trong, ngoài tỉnh. Do vậy, việc sử dụng nhang, đèn, lửa, củi… trong các am, cốc, chùa, đình… cũng là vấn đề phải thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo nhất là ở núi Dài Năm Giếng, núi Cấm, đồi Tức Dụp, núi Cô Tô, núi Bà Đội, núi Ba Thê, núi Sập, núi Sam…
Một vấn đề đang được ngành Kiểm lâm lưu ý là sản xuất và sinh hoạt của người trồng rừng khi bước vào mùa khô gần như bị… tê liệt, nên rừng ít người lui tới và hầu như các chòi, trại lúc nào cũng vắng chủ, nếu có sự cố không được phát hiện kịp thời. Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và PCCC rừng cấp huyện khuyến cáo các xã, phường, thị trấn có diện rừng đồi núi cần tổ chức tốt việc hiệp đồng tuần tra, trực gác rừng giữa các lực lượng: Tổ sản xuất nông – lâm kết hợp bảo vệ rừng, Dân quân tự vệ, Công an viên và Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn.
Về các trang bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ PCCC rừng khu vực đồi núi đã được bố trí. Hạt Kiểm lâm Tri Tôn và Tịnh Biên cũng đã đôn đốc các chủ rừng thực hiện đường băng trắng, phát dọn cỏ chăm sóc và bảo vệ rừng, chủ động thực hiện đường băng cản lửa các khu vực trọng điểm và ở những nơi có nguy cơ cao. Hạt Kiểm lâm Tri Tôn và Tịnh Biên cũng đã công khai số điện thoại “đường dây nóng” phục vụ công tác bảo vệ và PCCC rừng, có phân công cán bộ trực 24/24 sẵn sàng ứng phó kịp thời và xử lý nhanh chóng khi có sự cố xảy ra.


Bài và ảnh: TRỌNG ÂN

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
12
Hôm nay:
379
Tuần này:
1820
Tháng này:
13538
Năm 2024:
40442

Tin tức trong tháng:5
Tin tức trong năm 2024:10