Bảo tồn thiên nhiên » Động vật » Chi tiết loài

Tên việt nam: Lồ ô trường sơn

Tên khoa học: Bambusa polymorpha Munro

Địa danh: Chưa xác định

Cấp bậc sinh giới

Ngành: Hạt kín (tên khoa học là Angiospermae)

Bộ: Hòa Thảo (tên khoa học là Poales)

Họ: Hoà thảo (Tre trúc) (tên khoa học là Poaceae 2)

Thuộc: Thông thường

Tình trạng bảo tồn: Không dánh giá (NE)

Đặc điểm nhận dạng:

Đặc điểm hình thái:

Lồ ô Trường Sơn là loài tre mọc cụm thưa, thân thẳng cao 8 – 10 m, đường kính thân 5 – 6 cm, vách dày 0,5 – 0,7 cm, lóng thân dài 45 – 50 cm. Một cành to, nhiều cành nhỏ, tán dày, phía trên và dưới lóng có hai vòng phấn trắng, cao đến 1,5 cm.

Mo có dạng hình thang, mặt ngoài có lông màu nâu đen dày; hai mép bẹ mo ở đáy dưới lệch nhau, một mép hơi cong và một một mép thẳng; đáy dưới hơi lượn sóng, rộng 26 – 28 cm; cao 19 – 21 cm; đáy trên lõm, rộng 8 – 9 cm, nhô cao ở giữa - đáy của phiến mo.

Phiến mo hình tam giác, đầu có mũi nhọn ngắn, mặt ngoài có gân nổi rõ, mặt trong có lông màu nâu đen, dày ở đáy, cao 4 – 5 cm, rộng 3,5 – 4 cm. Lưỡi mo cao đến 0,2 cm, có lông cứng thưa, cao đến 0,3 cm. Tai mo lệch nhau, một tai nhô ra ngoài và cong xuống dạng liềm, rộng 3,5 – 4 cm, cao 1 – 1,2 cm, có lông thưa cao đến 0,4 cm; một tai to hơn, nhô ra ngoài và có đầu cong xuống theo mép bẹ mo, rộng 3 – 3,5 cm, cao đến 1,5 cm, có lông cứng thưa, cao đến 0,4 cm.

Đặc điểm sinh học:

Phiến lá thuôn hay elip trứng, hai mép có răng cưa nhỏ, mặt dưới – ở gần đáy có lông dài và đứng, màu bạc, dài 20 – 24 cm, rộng 2,1 – 2,6 cm. Gân 7 – 8 đôi. Gốc lá tròn hay hơi nhọn, đáy lệch. Bẹ lá có lông màu bạc, dày và đứng. Tai lá to dần từ trong ra ngoài mép, rộng 0,3 – 0,4 cm, cao đến 0,2 cm, có lông thưa, đứng dài đến 0,3 cm. Cuống lá dài đến 0,3 cm, rộng đến 0,2 cm.

Loài được biết là ra hoa theo chu kỳ và cả không theo chu kỳ nào. Ghi chép lâu nhất về ra hoa loài này là vào năm 1854 – 1860 ở Myanma. Ra hoa sau đó là vào năm 1914 và do vậy ước đoán chu kỳ ra hoa là 55 – 60 năm. Giai đoạn 1929 – 1930, loài ra hoa ở những nơi khô hạn. Số lượng hạt là khoảng 21.000 – 40.000 hạt/kg tuỳ theo vùng với tỷ lệ nảy mầm khoảng 40%.

Mùa măng vào khoảng tháng 6 – 9. Đặc trưng của măng là lúc non có lông dày, màu đen. Loài thường thấy dọc đường Trường Sơn từ Kon Tum đi Quảng Bình. Mẫu được thu tại Tenon (Kon Tum).

Phân bố địa lý:

Phân bố tự nhiên của loài là ở ấn Độ, Bănglađét, Myanma đến Việt Nam. Lồ ô Quảng Nam là loài tre có trong rừng tự nhiên và được sử dụng khá phổ biến ở các tỉnh miền Trung nước ta như Quảng Nam, Kon Tum.

Giá Trị:

Lồ ô Trường Sơn thích hợp cho việc chế biến làm ván ép, nguyên liệu sản xuất giấy, vật liệu xây dựng nhà, làm đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đến lấy măng làm thức ăn. Người Myanma sử dụng làm tường, sàn và mái nhà còn người Inđônêxia cũng dùng để xây dựng nhà cửa. Trong số 27 loài tre được sử dụng làm thức ăn thì loài này được người dân Puerto Rico coi là tốt nhất vì có vị ngọt đặc biệt.

Tình trạng Bảo tồn tại An Giang:

Không phân bố ở An Giang. Giới thiêu thêm thông tin để tham khảo.

 

 

 

Bành Thanh Hùng
Sưu tầm và biên soạn từ nguồn:  Nguyễn Hoàng Nghĩa (2005), Tre trúc Việt Nam, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
20
Hôm nay:
370
Tuần này:
2610
Tháng này:
14962
Năm 2024:
58558

Tin tức trong tháng:7
Tin tức trong năm 2024:17