Bảo tồn thiên nhiên » Động vật » Chi tiết loài

Tên việt nam: Tre là ngà Nam bộ

Tên khoa học: Bambusa arundinacea Retz

Địa danh: Chưa xác định

Cấp bậc sinh giới

Ngành: Hạt kín (tên khoa học là Angiospermae)

Bộ: Hòa Thảo (tên khoa học là Poales)

Họ: Hoà thảo (Tre trúc) (tên khoa học là Poaceae 2)

Thuộc: Thông thường

Tình trạng bảo tồn: Không dánh giá (NE)

Đặc điểm nhận dạng:

Tên đồng nghĩa:  Arundo bambos L. Bambusa arundinacea Retz

Đặc điểm hình thái:

Là ngà Nam Bộ là loài tre mọc cụm, thân thẳng, cao trung bình 15 – 18 m, có khi tới 30 m và đường kính trung bình 6 – 8 cm, có khi đạt tới 15 cm. Vách thân dày. Có cành nhánh trên mọi đốt thân, cành trên đốt thấp thường cong xuống phía dưới và cành của các đốt trên thường cong lên và có gai. Lóng dài 21 – 23 cm, xanh nhạt. Đốt hơi phình to, các đốt dưới có thể có rễ khí sinh. Thường có 3 cành được tạo thành trong đó có một cành chính to và hai cành nhỏ hơn. Đường kính cành đạt tới 2,5 cm, có nhiều gai, cành toả rộng ra xung quanh tới 2 – 3 m khỏi gốc. Thân non phủ lông trắng.

Mo thân nhẵn hoặc có lông tơ nhỏ. Đáy dưới bẹ mo rộng 28 – 30 cm, cao 19 – 20 cm; đáy trên có hai vai hơi lệch, rộng 13 – 14 cm, mặt trong có lông đen dày, lõm sâu và lượn sóng ở hai đáy. Phiến mo rộng 5,5 – 6,0 cm, cao 3,5 – 4,0 cm, mũi nhọn cứng, khi khô giống mỏ chim. Tai mo có lông đen dày ở mặt trong, mép lượn sóng, hai tai không bằng nhau dài 3 – 5 cm, cao 1 – 1,5 cm. Lưỡi mo cao 0,1 – 0,2 cm có lông cứng thưa cao 0,2 cm.

Đặc điểm sinh học:

Lá dạng dải, mặt dưới lá có lông mịn. Phiến lá hẹp và có kích thước biến động, thon, hẹp dần và có mũi nhọn, dài 10 – 12 cm, rộng 0,7 – 0,9 cm. Gốc nhọn, 4 – 5 đôi gân lá, không rõ. Bẹ lá có lông thưa, cuống lá rất ngắn.

Ra hoa theo chu kỳ và chu kỳ ra hoa biến động: 30 – 34, 30 – 45 và 44 – 49 năm, gần đây nhất là vào các năm 1981, 1984-1985, 1991-1992. Mỗi bụi ra hoa có thể cho 50 – 100 kg hạt với 70.000 – 85.000 hạt/kg. Hạt có thể giữ được khả năng nảy mầm tới 6 tháng.

Phân bố địa lý:

Là ngà Nam Bộ có phân bố kéo dài từ ấn Độ qua Thái Lan tới nam Trung Quốc. Loài cũng được trồng nhiều ở Đông Nam á như đông Gia-va, Singapo, Thái Lan, Malaixia và Philipin. Loài ưa đất ẩm, giàu hoặc sinh trưởng dọc sông và thung lũng, lên đến độ cao 1000 m so với mực nước biển.

Giá Trị:

Loài được dùng làm nguyên liệu cho sản xuất giấy và bột giấy, ván nhân tạo, làm bè mảng, nguyên liệu làm nhà và nhiều dụng cụ gia dụng khác. Măng và hạt ăn được. Lá còn có thể làm thức ăn chăn nuôi và làm thuốc. Loài được đưa về trồng ở vườn sưu tập tre Cầu Hai và đã được GS. Xia và GS. Li nhất trí định danh.

Tình trạng Bảo tồn tại An Giang:

Không có loài này trong tự nhiên.

Th. Sỹ. Bành Lê Quốc An
Sưu tầm và biên soạn từ nguồn:  Nguyễn Hoàng Nghĩa (2005), Tre trúc Việt Nam, NXB Nông nghiệp, Hà Nội. Nguồn ảnh: Nguyễn Hoàng Nghĩa.

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
15
Hôm nay:
1305
Tuần này:
3545
Tháng này:
15897
Năm 2024:
59493

Tin tức trong tháng:7
Tin tức trong năm 2024:17