Bảo tồn thiên nhiên » Động vật » Chi tiết loài

Tên việt nam: Cá Tra (Iridescent shark-catfish)

Tên khoa học: Pangasianodon hypophthalmus Sauvage, 1878

Địa danh: Chưa xác định

Cấp bậc sinh giới

Ngành: Dây sống (tên khoa học là Chordata)

Bộ: Cá Chốt (tên khoa học là Siluriformes)

Họ: cá tra (tên khoa học là Pangasiidae)

Thuộc: Thông thường

Tình trạng bảo tồn: Không dánh giá (NE)

Đặc điểm nhận dạng:

Địa điểm thu mẫu: Mẫu cá được thu tại An Phú, Phú Tân, Tri Tôn, Long Xuyên, Châu Thành, Chợ Mới, Châu Phú, Tân Châu, Châu Đốc,

Kích thước : Mẫu cá đánh bắt tự nhiên có kích cỡ nhỏ từ 0.5-16.4cm ứng với trọng lượng 0,4-37,8g. Kích thước lớn nhất có thể đạt 100cm.

Phân bố: Cá tra phân bố ở lưu vực sông Mekong, có mặt ở cả 4 nước Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái lan. Ở Thái Lan còn gặp cá ở lưu vực sông Meklong và Chao phraya. Ở nước ta cá bột và cá giống vớt được chủ yếu trên sông Tiền và sông Hậu trong thời gian đầu mùa lũ,  cá trưởng thành chỉ thấy trong các ao nuôi, rất ít khi tìm thấy trong tự nhiên.

Đặc điểm sinh học: Cá có thân dài, không vẩy, màu sắc đen xám trên lưng, bụng hơi bạc, miệng rộng, có 2 đôi râu dài.
Cá sống chủ yếu trong nước ngọt, có thể sống được ở vùng nước hơi lợ (10-14‰ độ muối ), có thể chịu đựng được nước phèn với pH > 4 ( pH dưới 4 thì cá bỏ ăn, bị sốc ), ít chịu đựng được nhiệt độ thấp dưới 15oC chịu nóng tới 39 oC.
sau khi hết noãn hoàng cá thích ăn mồi tươi sống, vì vậy cá ăn thịt lẫn nhau ngay trong bể ấp, thậm chí trong đáy vớt cá bột. Cá ăn các loại phù du động vật có kích thước vừa cỡ miệng.
Khi cá lớn, tính ăn tạp thiên về động vật và dễ chuyển đổi loại thức ăn. Trong ao nuôi cá tra có khả năng thích nghi với nhiều loại thức ăn, kể cả thức ăn bắt buộc, như mùn bã hữu cơ, cám, rau, phân hữu cơ, động vật đáy …..
Cá trong tự nhiên, có thể sống trên 20 năm, đạt 18kg hoặc có mẫu cá dài tới 1,8m. Trong ao nuôi cá bố mẹ 10 tuổi đạt tới 25kg.
Nuôi trong ao 1 năm cá đạt  1-1,5 kg/con (năm đầu tiên), những năm về sau cá tăng trọng nhanh hơn, có khi đạt tới 5-6 kg/năm.

Tuổi thành thục : Cá tra đực thành thục ở tuổi thứ  2 và cá cái ở tuổi thứ 3 trở lên.
Cá tra không có cơ quan sinh dục phụ (thứ cấp), nên nhìn hình dáng ngoài khó phân biệt đực, cái.
Ở thời kỳ thành thục, tuyến sinh dục ở cá đực phát triển lớn gọi là buồng tinh, ở cá cái gọi là buồng trứng.
Mùa vụ thành thục của cá bắt đầu trong tự nhiên từ tháng 5-6 (dương lịch), cá đẻ tự nhiên trên sông ở những khúc sông có điều kiện sinh thái phù hợp. Cá không đẻ ở phần sông của Việt Nam. Ở Campuchia, bãi đẻ của cá nằm từ khu vực ngã tư giao tiếp 2 con sông Mekong và Tonlesap, từ  Sombor, tỉnh Crachê trở lên.
Trong sinh sản nhân tạo, ta có thể nuôi thành thục sớm và cho đẻ sớm hơn trong tự  nhiên (tháng 3).
Trong tự nhiên, không gặp tình trạng cá tái phát dục. Chỉ có trong điều kiện nuôi nhân tạo, cá tra có thể tái phát dục 1–2 lần trong năm.

Đặc điểm của buồng trứng cá: Buồng trứng của cá khi thành thục tương đối lớn. Tỷ lệ % trọng lượng của tuyến sinh dục trên trọng lượng cơ thể gọi là hệ số thành thục (HSTT). Hệ số thành thục cá đực thì thấp 1-3%, còn ở cá cái có thể đạt tới 20%.
Số lượng trứng đếm được trong buồng trứng của cá ta gọi là sức sinh sản tuyệt đối. Sức sinh sản tuyệt đối của cá tra có thể từ 200 ngàn đến vài triệu trứng. Sức sinh sản tương đối là số trứng có được của 1 kg cá cái, thường dao động từ  70 ngàn đến 150 ngàn trứng. Kích thước của trứng cá tra tương đối nhỏ. Trứng sắp đẻ có đường kính trung bình 1mm. Sau khi đẻ ra và hút nước  đường kính trứng có thể tới 1,5-1,6 mm

Giá trị kinh tế: Cá tra là đối tượng nuôi chính ở trong các ao hồ, bè ở ĐBSCL với sản lượng nuôi rất cao. Đây là loài cá có giá trị kinh tế quan trọng, xuất khẩu với sản lượng cao.

Khai thác: Ngư cụ được dùng khai thác: Chài, lưới, cào, lưới kéo, câu giăng, bẫy.

Mùa vụ khai thác: tháng 7 – 8 (thời gian đầu mùa lũ, bắt gặp chủ yếu cá con)

Hiện trạng nghiên cứu và phát triển: Đây là đối tượng cá nuôi nước ngọt cho sản lượng cao, tại các tỉnh có thủy vực nước ngọt như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long… hình thức nuôi phổ biến: nuôi bè, cồn bãi, ao đầm… Trước những năm 2000 nguồn giống cung cấp chủ yếu vớt từ tự nhiên, tập trung chủ yếu tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Từ năm 2000 trở lại đây công nghệ sinh sản nhân tạo cá Tra đã ổn định, việc sản xuất giống nhân tạo đã đáp ứng nhu cầu nuôi của ngư dân trong vùng; do vậy việc vớt giống cá Tra trên sông Tiền và sông Hậu được ngành thủy sản địa phương 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp qui định theo luật nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản .


 
Nguồn: Điều tra, nghiên cứu về sự hiện diện của các loài thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh An Giang, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Tp Hồ Chí Minh 4/2007.


Bành Thanh Hùng, sưu tầm

Tra cứu Động vật - Thực vật

Ứng dụng cung cấp thông tin chi tiết từng loài về dược liệu, động vật, thực vật, cổ thụ.

.:: Tổng số truy cập ::.



Đang truy cập:
11
Hôm nay:
515
Tuần này:
1956
Tháng này:
13674
Năm 2024:
40578

Tin tức trong tháng:5
Tin tức trong năm 2024:10